Đối tượng nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa

Nhóm thanh thiếu niên có khả năng bị lây nhiễm lớn do thiếu kiến thức tình dục cũng như quan hệ tình dục không an toàn.
Đối tượng nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa
Đối tượng nhiễm HIV/AIDS ngày càng trẻ hóa và tỷ lệ người đồng tính nhiễm tăng cao (ảnh minh họa)

Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức họp báo về tình hình dịch và công tác phòng, chống HIV/AIDS. Thạc sĩ Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và Xét nghiệm, cho biết, thế giới hiện ghi nhận 38,4 triệu người nhiễm HIV. Trong đó, số người trưởng thành nhiễm HIV là 36,7 triệu. Con số này ở trẻ em là 1,7 triệu. Số ca mắc mới hiện giảm qua các năm.

Xu hướng nhiễm HIV mới và số tử vong trên toàn cầu tiếp tục giảm qua hàng năm, nhưng tốc độ chậm hơn rất nhiều so với những năm trước đây, tốc độ tử vong cũng giảm chậm hơn.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng, số xét nghiệm đang báo cáo hiện mắc là 220.580 người. Tích lũy từ năm 1990 đến nay, đã có 112.368 người tử vong do HIV/AIDS.

Tính riêng từ đầu năm 2022, có 9.000 ca phát hiện mới và có 1.378 trường hợp đã tử vong. Tỷ lệ HIV mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ (chiếm từ 84-86%). Đường lây HIV chủ yếu hiện nay không còn qua đường tiêm chích như trước mà là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm và trở thành đường lây chính.

Nhóm người đồng tính (MSM) chiếm tới 50% người nhiễm mới. Tỷ lệ lây nhiễm trong nhóm MSM rất lớn, từ năm 2015 đến nay đã tăng gấp đôi, đây là quan ngại lớn trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Dự báo HIV trong nhóm này tiếp tục gia tăng trong thời gian, bởi nhóm này lớn, các nguy cơ khác vẫn tồn tại và độ bao phủ điều trị dự phòng phơi nhiễm (PrEP) mới có 30.000 người.

Lãnh đạo Cục HIV/AIDS cho hay, mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 khó thực hiện nếu không khống chế và giảm lây nhiễm được ở nhóm MSM và nhóm thanh, thiếu niên trẻ có quan hệ tình dục không an toàn. Việc can thiệp cho nhóm này rất khó khăn vì quần thể này ẩn, khó tiếp cận. Việc nghiện các chất ma túy tổng hợp và ma túy dạng kích thích đang gia tăng.

Đặc biệt, Việt Nam hiện chưa có thuốc điều trị nghiện cũng như hướng dẫn chi trả cho xác định tình trạng nghiện. Bên cạnh đó, việc bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV, quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng rất khó khăn.

Bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng cho rằng, đến nay kỳ thị vẫn là rào cản lớn để ngăn chặn mục tiêu quốc gia và mục tiêu toàn cầu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được bằng cách tuyên truyền, giáo dục và tăng cường truyền thông cho cộng đồng những triển vọng của khoa học điều trị HIV, để người dân không kỳ thị người có H, giúp họ tự tin xét nghiệm phát hiện sớm và điều trị thuốc ARV, làm giảm lây nhiễm trong cộng đồng.

Các chiến sỹ vây bắt đối tượng đối diện với nguy cơ bị phơi nhiễm HIV
Xử lý ngay các đối tượng gây ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải
Người trẻ đi khám và điều trị HIV

Kim Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.