Gạo Việt Nam tiếp tục được vinh danh tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2022

Hai giống gạo thơm ST24, ST25 nổi tiếng của Việt Nam lọt vào top 4 của cuộc thi năm nay, tiếp tục nằm trong nhóm cao được vinh danh.
Gạo Việt Nam tiếp tục được vinh danh tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2022
Gạo ST24, ST25 tiếp tục nằm trong top cao tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới (ảnh minh họa)

Ngày 17/11, cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2022 diễn ra tại Thái Lan đã vinh danh ông Hồ Quang Cua - “cha đẻ” gạo ST25 với giải “Thành tựu cống hiến trọn đời” vì những đóng góp to lớn của ông cho ngành lúa gạo Việt Nam và lúa gạo thế giới.

Giải Thành tựu cống hiến trọn đời cộng đồng gạo thế giới TRT (TRT World Rice Community - Lifetime Achievement Award) được chọn trao cho người có tầm ảnh hưởng lớn đối với ngành gạo quốc gia, khu vực hoặc thế giới, đối tượng được chọn vinh danh thuộc ba lĩnh vực chính gồm: Nghiên cứu, sản xuất hoặc về thương mại gạo.

Hai giống gạo ST24 và ST25 đến từ doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí - đại diện của Việt Nam năm nay lọt vào top 4 của cuộc thi cùng các đại diện đến từ Campuchia, Thái Lan và Lào. Quán quân năm nay thuộc về gạo Phka Romdoul của Campuchia - ứng cử viên mạnh nhất và không ngoài dự đoán từ các nhà chuyên môn.

Trước đó, hội thi Gạo ngon Việt Nam lần 3 năm 2022 được tổ chức để lựa chọn đại diện tham dự cuộc thi thế giới. Mặc dù đã lựa chọn ra các giải cao nhất, tuy nhiên do dính nhiều lùm xùm về nghi vấn đánh tráo gạo ngon, vậy nên ông Hồ Quang Cua đã đem gạo ST24 và ST25 tham gia cuộc thi Gạo ngon thế giới năm 2022 với tư cách của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí.

Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới nằm trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới do Tạp chí The Rice Trader tổ chức hàng năm. Năm nay Hội nghị này diễn ra từ ngày 15-17/11 tại Phuket, Thái Lan.

Đừng để doanh nghiệp loay hoay một mình
Lan tỏa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Chất ức chế ung thư được nhà khoa học Việt Nam tìm ra từ gạo

Kim Quyên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.