Thành công của người thầy

Lâm là cậu học trò tinh quái nhất lớp. Cậu chuyên bày ra các trò trêu trọc các bạn, thậm chí còn khiến nhiều cô giáo từng chủ nhiệm lớp Lâm bao phen vất vả. Không biết bao nhiêu lần bố mẹ Lâm phải đến trường họp vì con trai vi phạm hết lần này đến lần khác. Thế nhưng, cậu cũng không có gì tiến bộ.
Tranh minh họa (Gia Linh)
Tranh minh họa (Gia Linh)

Là con một trong gia đình khá giả nên Lâm được chiều chuộng từ bé. Khi Lâm bắt đầu lên cấp 2, bố mẹ cậu mở rộng kinh doanh nên không dành nhiều thời gian cho con. Từ đây, Lâm giao du với nhiều bạn bè xấu, bắt đầu nói dối, nghịch ngợm, gây chuyện cả ở nhà và ở trường. Năm nào, cậu cũng xếp trong top học sinh học kém nhất lớp.

Tuy nhiên, năm lớp 9, Lâm đã thay đổi hoàn toàn. Từ một cậu học sinh nghịch ngợm, học lực kém, Lâm phấn đấu trở thành học sinh giỏi, đỗ vào trường chuyên uy tín của TP. Tất cả là nhờ cô giáo chủ nhiệm của mình - một cô giáo mới ra trường nhưng giỏi giang, tâm lý và có sự nghiêm khắc rất “đặc biệt”. Là giáo viên trẻ nên suy nghĩ của cô hiện đại, trẻ trung. Các tiết học của cô vì thế tràn đầy năng lượng, sự mới mẻ và hấp dẫn. Cô không bao giờ bỏ qua những vi phạm của học trò nhưng không phạt các em bằng cách chép phạt, lao động,… Nếu như không làm bài tập, các em sẽ phải về nhà nấu cơm cho bố mẹ. Nếu không thuộc bài, các em sẽ phải tự tay làm một món quà cho anh, em của mình. Nếu vi phạm lỗi khiến lớp bị trừ điểm thì các em sẽ làm một món quà nhỏ tặng các bạn có sinh nhật trong tháng,…Dường như cô giáo chưa bao giờ “bí” ý tưởng để “phạt” học sinh. Nhưng lạ thay, những điều đó lại giúp tình cảm gia đình, bạn bè của học trò trở nên khăng khít hơn.

Cô giáo đã gần gũi, chia sẻ với Lâm để hiểu được hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm của cậu. Cô động viên Lâm: “Em may mắn hơn rất nhiều bạn là có một gia đình đủ đầy, bố mẹ yêu thương, tạo điều kiện cho em học tập, phát triển. Em hãy trân trọng và làm lại nhé. Cô sẽ đồng hành cùng em. Khó nhưng không gì là không thể”. Khi ấy, một cậu học trò chưa từng hứa như Lâm đã nói: “Em hứa với cô em sẽ thay đổi”.

Từ đó, cô giáo dành nhiều thời gian bồi dưỡng kiến thức thêm cho Lâm. Cùng với sự quyết tâm của mình, Lâm tiến bộ nhanh chóng, còn được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Toán của trường. Ngày Lâm thông báo đã đỗ vào trường chuyên của thành phố, cả cô và trò đều bật khóc. Cuối cùng, họ đã biến điều không thể thành có thể.

Mãi đến tận bây giờ, Lâm mới kể cho cô giáo điều thôi thúc mình phải thay đổi. Một lần Lâm vô tình nghe được câu chuyện về hoàn cảnh của cô. Cô mồ côi bố từ bé, gia đình lại khó khăn, một mình mẹ bươn trải nuôi con. “Nghèo khó nhưng cô đã không ngừng cố gắng, sống một cách bản lĩnh, để rồi trở thành một cô giáo tốt của chúng em thì không có cớ gì em, một cậu học trò có mọi thứ đủ đầy lại trở nên thất bại”, Lâm rưng rưng.

Câu chuyện của Lâm đã minh chứng rằng: Thành công nhất của người thầy không chỉ nằm ở việc truyền thụ kiến thức cho học trò để các em giỏi giang mà còn biết truyền cảm hứng để các em sống đẹp, trưởng thành hơn mỗi ngày.

Cuộc thi viết “Người thầy của tôi”
Tâm sự của “người thầy” uốn nắn những học trò cá biệt ở trại giam

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.