Các giải pháp kiểm soát ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường

Tình trạng ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nóng tại Thủ đô bởi nó không chỉ là mối “đe dọa” đối với môi trường, xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Bởi vậy, yêu cầu cấp thiết là phải triển khai các giải pháp kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội.
TP cũng yêu cầu chú trọng trồng nhiều cây xanh để tạo thành các khu phố xanh, TP xanh, góp phần cải thiện chất lượng không khí 	Ảnh: Khánh Huy
TP cũng yêu cầu chú trọng trồng nhiều cây xanh để tạo thành các khu phố xanh, TP xanh, góp phần cải thiện chất lượng không khí. Ảnh: Khánh Huy

Theo đánh giá từ các trạm quan trắc không khí tại TP Hà Nội, cứ vào khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, các chỉ số chất lượng không khí, trong đó có chỉ số bụi mịn PM2.5 có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên vào thời gian trên đấn đến chất lượng không khí thường xảy ra các đợt ô nhiễm bởi: Khí hậu Hà Nội thuộc kiểu khí hậu nhiệt đới, chịu ảnh hưởng mạnh của cơ chế gió mùa và có độ ẩm cao hầu như quanh năm. Vào mùa đông, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, có nền nhiệt độ thấp, thường xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, gây bất lợi cho sự phát tán chất ô nhiễm trong không khí.

Hà Nội là TP trực thuộc Trung ương, nơi tập trung đông dân cư và đang trên đà phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy các hoạt động đô thị hóa cao không tránh khỏi việc phát sinh bụi, gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, môi trường không khí bị ô nhiễm chủ yếu là bụi (TSP, PM10, PM2.5), đặc biệt là ô nhiễm bụi ở các đô thị lớn đang ngày càng tăng, trong đó điển hình là Hà Nội.

Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi tại Hà Nội nói riêng và tại các đô thị lớn trên cả nước nói chung ngày càng trầm trọng, cho thấy nhiều bất cập và thách thức về quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm không khí.

Bởi vậy, để giải quyết tình trạng ô nhiễm khói bụi, các cơ quan chức năng, giới chuyên gia đã cung cấp nhiều giải pháp khắc phục kịp thời. Về khía cạnh chủ trương, chính sách Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược đã đề ra nhiệm vụ cụ thể là tăng cường kiểm soát ô nhiễm, duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí ở các đô thị.

Mặt khác, theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các Sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn TP trong năm 2022; Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn TP; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường

TP Hà Nội đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và yêu cầu các Sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Tiêu biểu, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND TP về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn TP Hà Nội. Văn bản số 742/UBND-ĐT ngày 15/3/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải… Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh đầu tư lắp đặt bổ sung hệ thống trạm quan trắc không khí để cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về chỉ số môi trường không khí và đưa ra các khuyến cáo để người dân dự phòng, có biện pháp bảo vệ sức khỏe theo mức độ ô nhiễm.

TP cũng yêu cầu các Sở, ngành, quận, huyện rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước; trồng nhiều cây xanh trong khu đô thị, nơi công cộng để tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, TP xanh...

Mới đây để tăng cường chất lượng không khí, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Đông đã ký ban hành Văn bản số 1137/UBND-ĐT về việc tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Để khắc phục các tồn tại hạn chế và góp phần cải thiện chất lượng không khí của TP, trên cơ sở đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 2246/STNMT-CCBVMT ngày 13/4/2022, UBND TP yêu cầu các Sở, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp cải thiện chất lượng không khí đã được phân công tại văn bản số 742/UBNDĐT ngày 15/3/2021 của UBND TP về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Tăng cường thanh, kiểm tra các công trình xây dựng, công trình giao thông tập trung vào các quận nội thành, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các công trình xây dựng vi phạm, không che chắn phát tán khói bụi ra môi trường. Đề xuất các quy định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường không khí theo hướng tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe.

Hà Nội quyết liệt cải thiện chất lượng không khí
Hà Nội: Tăng cường giải pháp cải thiện chất lượng không khí

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.