Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”

Với mong muốn bạn đọc có cái nhìn tổng quát về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, sáng 9/11, Báo Kinh tế & Đô thị cùng Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm với chủ đề “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”.
Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Các vị khách mời và diễn giả tham gia buổi Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng Ban tổ chức.

Tham gia buổi tọa đàm có ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, Thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội; bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật - Sở Tư pháp TP Hà Nội; ông Lê Trung Đức, Ủy viên Ban thường vụ Hội luật gia TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ; bà Trần Minh Hồng, Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm; ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì.

Về phía khách mời còn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các phường Hàng Đào, Láng Hạ. Đặc biệt là sự tham dự của đại diện các hoà giải viên ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội. Về phía Báo Kinh tế và Đô thị, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng biên tập, chủ trì Tọa đàm.

Tiếp tục lan tỏa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật

Dưới góc nhìn của những cơ quan quản lý, tọa đàm không chỉ đúc kết lại quá trình 10 năm Luật PBGDPL đi vào cuộc sống mà còn gợi mở những giải pháp để tiếp tục lan tỏa Luật PBGDPL, nâng cao nhận thức, từ đó cải thiện hơn nữa việc chấp hành pháp luật của Nhân dân.

Báo Kinh tế & Đô thị cùng Sở Tư pháp TP Hà Nội: Tọa đàm với chủ đề “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”.
Tại Toạ đàm, các diễn giả đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, TP Hà Nội luôn xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Do vậy, UBND TP Hà Nội luôn quan tâm, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PBGDPL hàng năm.

Từ khi Luật PBGDPL được Quốc hội thông qua năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác PBGDPL được triển khai một cách thuận lợi. Theo đó, để luật sớm đi vào cuộc sống, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 17/01/2013 triển khai thi hành Luật PBGDPL trên địa bàn TP Hà Nội và thành lập Hội đồng Phối hợp PBGDL TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, TP luôn chú trọng ban hành văn bản, chỉ đạo của Đảng trong công tác PBGDPL để thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân”.

Những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo, quán triệt sâu sắc đến các cấp, các ngành, đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về Luật PBGDPL cũng như vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL.

Hằng năm, Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch hưởng ứng "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" và tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật; tư vấn hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày Pháp luật phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như tổ chức mít tinh, hội nghị (trực tiếp hoặc trực tuyến).

Từ năm 2013 đến tháng 6/2022, thực hiện Luật PBGDPL, các sở, ban, ngành, đoàn thể của TP và 30 quận, huyện, thị xã đã phối hợp tổ chức 82.207 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với trên 13.125.091 lượt người dự. Công tác PBGDPL từ TP đến cơ sở được thực hiện bằng nhiều hình thức: Từ tổ chức các cuộc thi, từ trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, hoạt động hoà giải ở cơ sở, qua công tác xét xử, lồng ghép trong hoạt động của các tổ chức đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật…

Với vai trò tuyên truyền, 10 năm qua, ấn phẩm Pháp luật và Xã hội, Báo Kinh tế và Đô thị đã làm tròn trách nhiệm, xuất bản, đăng hàng chục nghìn bài viết. Bằng nhiều phương thức thể hiện, báo là kênh tuyên truyền Luật PBGDPL hiệu quả, được các cơ quan chức năng, bạn đọc đánh giá cao.

Có thể nói, 10 năm thực hiện Luật PBGDPL đã gặt hái được nhiều thành công. Tuy nhiên, để lan toả hơn nữa Luật PBGDPL rất cần sự đóng góp các giải pháp để đưa Luật tiếp tục đi sâu vào cuộc sống. Đó cũng là lý do, Sở Tư pháp TP Hà Nội Phối hợp cùng Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức cuộc toạ đàm này.

Với cương vị là Trưởng phòng PBGDPL Sở Tư pháp TP Hà Nội, bà Vũ Thị Thanh Tú luôn sâu sát, gắn bó với công tác PBGDPL. Đặc biệt, từ khi Luật PBGDPL đi vào cuộc sống, với vai trò thường trực giúp cho công tác của Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP, bà Vũ Thị Thanh Tú và các đồng nghiệp đã có nhiều đóng góp cho công tác này.

Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Bà Vũ Thị Thanh Tú, Trưởng phòng PBGDPL, Sở Tư pháp TP Hà Nội, chia sẻ tại tọa đàm.

Theo bà Vũ Thị Thanh Tú, việc triển khai thực hiện PBGDPL phải được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP, ngành, địa phương; bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của cơ sở.

“Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên có tương tác hai chiều với các đơn vị, địa phương tại cơ sở để nhìn nhận những khó khăn, vướng măc để kịp thời tháo gỡ hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn trong công tác PBGDPL. Đồng thời, phát hiện mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL để đẩy mạnh, nhân rộng cũng như hoàn thiện, chỉnh sửa cho phù hợp tại thời điểm tham mưu thực hiện các hoạt động PBGDPL.

Trong các hoạt động tuyên truyền, chúng tôi luôn lấy đối tượng tuyên truyền là trung tâm. Do vậy khi tham mưu cho TP trong công tác PBGDPL chúng tôi lựa chọn những vấn đề nóng, thời sự mà người dân trên địa bàn quan tâm, đồng thời tìm ra cách thức tuyên truyền cho phù hợp, nhằm thu hút đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên, người lao động và Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia nhằm lan tỏa tinh thần tìm hiểu pháp luật để từ đó lan tỏa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân như thông qua tuyên truyền qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật dưới hình thức thi viết trên giấy, thi viết trên mạng, thi sân khấu hóa, thi trực tuyến...".

Vừa qua, các cấp trên địa bàn TP đã tổng kết 10 năm Luật PBGDPL, bà Vũ Thị Thanh Tú đã có những đánh giá về hiệu quả của công tác tuyên truyền PBGDL ở cơ sở. Theo đó, qua thực hiện 10 năm Luật PBGDPL cho thấy công tác PBGDPL đã có nhứng bước đột phá, chuyển biến trên nhiều mặt: Công tác chỉ đạo, điều hành về công tác PBGDPL đã đi vào nền nếp, bài bản, các cấp ủy, chính quyền ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng công tác PBGDPL và quan tâm bố trí kinh phí cho công tác này.

Công tác tuyên truyền, PBGDPL được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, vừa sâu, vừa rộng, với mô hình, cách thức PBGDPL ngày càng đa dạng, phong phú , đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số ngành, tổ chức, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý Nhà nước về PBGDPL; Tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý Nhà nước về PBGDPL cấp huyện và cấp xã còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc nên gặp khó khăn trong công tác tham mưu quản lý, triển khai công tác PBGDPL. Một số Hội đồng PBGDPL cấp huyện chưa có sự phân công rõ trách nhiệm, phụ trách, theo dõi các đơn vị, địa bàn dẫn đến hiệu quả hoạt động của Hội đồng cấp huyện trong thời gian qua còn hạn chế.

Vai trò tham mưu, chủ trì, đầu mối, điều phối việc thực hiện các Đề án còn hạn chế; trách nhiệm tham gia và sự phối hợp thực hiện Đề án của các cơ quan thành viên chưa cao, chủ yếu do cơ quan chủ trì Đề án chủ động thực hiện. Các Đề án mới chỉ được triển khai chủ yếu tại các cơ quan sở, ban, ngành TP, chưa được triển khai đồng bộ tại các quận, huyện, phường, xã.

Việc thực hiện xã hội hóa công tác PBGDPL đặc biệt là huy động kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân cho công tác PBGDPL còn hạn chế. Cơ chế khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động PBGDPL còn hạn chế. Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được tổ chức thường xuyên nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho đối tượng cũng như hình thức, nội dung tuyên truyền theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đánh giá về tính khả thi, phù hợp với một số mô hình mới, ví dự như mô hình “Cầu thang pháp luật”, bà Vũ Thị Thanh Tú chia sẻ, việc thực hiện một số mô hình mới trong công tác PBGDPL như mô hình “Cầu thang pháp luật”, được Hội đồng PBGDPL xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện từ 2019 về các lĩnh vực liên quan đến người dân quan tâm như quy tắc ứng xử nơi công cộng, chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật giao thông đường bộ, ứng xử trên môi trường mạng, phòng, chống dịch bệnh Covid-19…. đã được triển khai tuyên truyền tại một số tòa nhà chung cư, màn hình Led nơi công cộng với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu.

Đây là hình thức mới rất hiệu quả và thiết thực, được nhiều địa phương, người dân đánh giá cao trong việc tuyên truyền bằng hình thức này. Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ chế pháp lý trong việc xã hội hóa thực hiện đối với hình thức này nên trong thực tế còn gặp khó khăn, vướng mắc.

Tuyên truyền qua "môi trường zoom" lên tới 30.000 - 40.000 lượt người theo dõi

Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội, Thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội thông tin, trong thời gian đại dịch Covid-19, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã chuyển sang tuyên truyền qua zoom hoặc google meeting. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào cơ sở vật chất của cơ sở để đưa ra phương án tuyên truyền. Nếu người được tuyên truyền là học sinh thì sẽ qua zoom hoặc google meeting bởi học sinh đã được học qua zoom nên tuyên truyền qua nền tảng này rất tốt. Một ngày, có thể thực hiện tuyên truyền đến 2.000 - 4.000 học sinh.

Sau khi rút kinh nghiệm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã thay đổi mô hình, làm việc với nhà trường, trong 1 tiết 45 phút, xin thêm 15 phút là 1 tiếng và trao đổi 30 phút với học sinh còn lại sẽ tương tác với học sinh. Có thể gọi bất kỳ em học sinh nào hoặc nhóm học sinh rồi sẽ đưa ý kiến chính thống nhất, định hướng các em học sinh trong cách hành xử và thực hiện. Bên cạnh đó, còn phối hợp cùng cô giáo cho điểm học sinh ở môn giáo dục công dân thì các em sẽ tự nghĩ, trao đổi và tập trung nghe hơn.

“Thời gian dịch Covid-19, chúng tôi tuyên truyền trực tiếp chỉ 5.000 - 7.000 nhưng qua môi trường zoom thì lên tới 30.000 - 40.000 lượt người. Cách thức tuyên truyền cấp 1 và cấp 2, cấp 3 khác nhau và lựa chọn chuyên đề khác nhau để phù hợp với từng lứa tuổi”, ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, năm 2022, thực hiện bình thường hóa từ tháng 4/2022, Đoàn Luật sư TP Hà Nội tập trung chủ yếu là học sinh. Số lượng đến hiện nay cũng lên đến gần 100 buổi đi trực tiếp đến các địa phương, số lượng người dân được thụ hưởng khoảng 20.000 - 30.000 người. Mỗi tuần Đoàn luật sư đi 3 trường và mỗi trường khoảng 2.000 học sinh. Đến nay Đoàn luật sư TP Hà Nội đã đến khoảng 30 trường, mỗi trường khoảng 1.500 người được tiếp cận pháp luật.

“Từ năm 2021 đến nay, kết quả vượt hơn trước rất nhiều. Năm 2022, nhiều luật sư tham gia công tác tuyên truyền PBGDPL. Tuyên truyền về Luật Đất đai, đường Vành đai 4, bạo lực học đường cho học sinh TP. Công tác tuyên truyền PBGDPL luôn luôn đẩy mạnh và năm sau cao hơn năm trước. Công tác PBGDPL là công tác hoạt động cộng đồng của Đoàn luật sư. Đấy là tự nguyện và trách nhiệm của chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.

Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Bà Trần Minh Hồng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm chia sẻ những kinh nghiệm hay tại Tọa đàm.

Bám sát cuộc sống để tuyên truyền...

Tại buổi Tọa đàm, bà Trần Minh Hồng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi Luật PBGDPL được ban hành và có hiệu lực pháp luật, UBND quận Hoàn Kiếm luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương và TP về triển khai thi hành Luật PBGDPL, ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 22/01/2013 về triển khai thực hiện Luật PBGDPL.

Hàng năm, UBND quận tiến hành kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ PBGDPL đối với các đơn vị để đánh giá toàn diện về kết quả công tác, qua đó kịp thời rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện, đề ra giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch về PBGDPL trong giai đoạn tiếp theo.

Sau 10 năm triển khai Luật, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành 255 văn bản chỉ đạo triển khai về công tác PBGDPL, tổ chức 79 hội nghị phổ biến, quán triệt văn bản pháp luật với 17.177 lượt người tham dự; tổ chức 48 buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ với 11.608 lượt người tham dự; tổ chức triển khai hơn 30 cuộc thi Tìm hiểu pháp luật; biên soạn và phát hành 27 tờ gấp pháp luật với 848.600 bản; biên soạn 137 đề cương tuyên truyền các văn bản pháp luật có hiệu lực; tiếp nhận và phát hành 520.321 tài liệu pháp luật từ Sở Tư pháp TP Hà Nội…

Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL, việc xây dựng nguồn nhân lực trực tiếp tham gia PBGDPL là vô cùng quan trọng. Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ, UBND quận đã chỉ đạo kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-BTP với 45 báo cáo viên pháp luật và 533 tuyên truyền viên pháp luật, đồng thời, hàng năm tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ này.

Việc thực hiện Ngày Pháp luật trên địa bàn quận được duy trì thường xuyên, trở thành nền tảng trong hoạt động của hệ thống chính trị quận, trở thành nếp sống văn hóa thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân quận Hoàn Kiếm với tinh thần thượng tôn pháp luật, để thực sự “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

“Trong 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, công tác PBGDPL trên địa bàn quận đã được quan tâm triển khai đến mọi đối tượng với việc lựa chọn nội dung và hình thức phù hợp, chú trọng tuyên truyền cả bề rộng và chiều sâu, tập trung vào các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động và người lao động, cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang Nhân dân, thanh thiếu niên trên địa bàn quận.

Nhờ có hoạt động PBGDPL đã nâng cao một bước về nhận thức pháp luật, tạo nên ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế những vi phạm pháp luật trong Nhân dân trên địa bàn quận. Đội ngũ cán bộ, công chức, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đã cơ bản nắm vững pháp luật, cập nhật được các văn bản pháp luật liên quan đến công tác chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực vận dụng, thi hành pháp luật được nâng cao một bước rõ rệt”, bà Hồng khẳng định.

Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Ông Nguyễn Thành Sơn - Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì nêu những giải pháp đối với một huyện xa của Hà Nội.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyên truyền

Ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng Tư pháp huyện Ba Vì thông tin, trong những năm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hình thức tuyên tuyền PBGDPL đã được huyện thay đổi cho phù hợp với tình hình, vừa đảm bảo được hiệu quả của công tác tuyên truyền vừa phòng chống dịch bệnh, các hình thức tuyên truyền được thay đổi từ trực tiếp sang gián tiếp, từ hội nghị trực tiếp sang hội nghị trực tuyến, phát tờ gấp, tài liệu, tuyên truyền thông qua băng rôn khẩu hiệu, qua hệ thống đài phát thanh cơ sở, tuyên truyền bằng các xe lưu động, các loa kéo, qua các bản tin… Đặc biệt, huyện đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyên truyền như: Xây dựng các video clip, thành lập các trang fanpage tuyên truyền và cập nhập quy định của pháp luật, chính sách của Trung ương, TP Hà Nội và của UBND huyện Ba Vì.

Bên cạnh đó, với đặc thù của huyện có các đối tượng là người dân miền núi, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng Kế hoạch, thực hiện “Đề án tuyên truyền PBPL cho người nông thôn và đồng bảo dân tộc thiểu số” từ năm 2013-2016 trên địa bàn huyện; Kế hoạch về việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào 07 xã dân tộc miền núi năm 2020. Nhằm phổ biến là chủ chương, đường lối, chính sách của Trung ương, TP và huyện liên quan đến đồng bảo dân tộc thiếu số, đặc biệt là những chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nông nghiệp nông thông, chính sách đoàn kết dân tộc và xây dựng nông thôn như: Chương trình 134, 135 của Chính phủ; Quyết định số 18/QĐ-TTg.

Tuyên truyền cho đối tượng là học sinh, UBND huyện Ba Vì đã ban hành các Kế hoạch thực hiện đề án “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”. Nội dung tuyên tuyền được tập trung vào giáo dục pháp luật, an toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội, tai nạn thương tích…Hình thức tuyên truyền được đa dạng, đổi mới… đồng thời triển khai tới các trường đầy đủ các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật trên mạng Internet bằng hình thức trực tuyến, thi vẽ tranh, sáng tác nhạc, sân khấu hóa…

Tuyên truyền cho đối tượng đặc thù, huyện tập trung vào các quy định của Luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án hình sự; Luật Dân sự, Luật Phòng chống ma túy, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Đặc xá; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 111; Nghị định 221; Luật Cư trú, Luật giao thông đường bộ… Cùng với đó, hàng năm huyện tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật với nhiều hình thức thiết thực nhằm lan tỏa mạnh mẽ pháp luật trong Nhân dân.

“Việc thực hiện PBGDPL trên địa bàn huyện một cách hiệu quả đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo trật tự an ninh xã hội. Các hòa giải ở cơ sở được phát ấn phẩm Pháp luật và Xã hội thường xuyên, được cập nhật các tình huống pháp lý, câu chuyện pháp luật trên báo. Đồng thời, là người có uy tín ở khu dân cư nên các bác đã làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật và đảm bảo trật tự an ninh xã hội”, ông Sơn nhấn mạnh.

Lựa chọn những mô hình phù hợp

Luật gia Lê Trung Đức, Ủy viên BTV Hội Luật gia TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ chia sẻ, trong 10 năm qua, việc quán triệt, triển khai Luật PBGDPL đã được các cấp, các ngành trên phạm vi cả nước thực hiện đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, kịp thời, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, linh hoạt và phù hợp với các mô hình, các làm hay và sáng tạo. Bước đầu, có thể rút ra các thành tựu cơ bản.

Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Luật gia Lê Trung Đức - Ủy viên BTV Hội Luật gia TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ nêu những thành tự khi áp dụng Luật PBGDPL

Về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, triển khai công tác PBGDPL đã có sự chuyển biến tích cực, các tổ chức Đảng xác định rõ công tác PBGDPL là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở….

Cơ bản về thể chế, chính sách của công tác PBGDPL đã được hoàn thiện, đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ đối với Luật PBGDPL và các văn bản pháp luật có liên quan như Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành có liên quan. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và địa phương lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện. Qua đó, đầu tư về nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác PBGDPL. Chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL từng bước được nâng lên góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện Luật PBGDPL được đồng bộ, thường xuyên, kịp thời, hiệu quả.

“Qua 10 năm thực hiện công tác PBGDPL về thi hành Luật PBGDPL thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đầu tư nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất; được sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện, đã thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu và những người làm công tác PBGDPL cùng với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, Luật PBGDPL từng bước đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ pháp luật, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân ngày một được nâng cao”, Luật gia Lê Trung Đức chia sẻ.

Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Bà Đặng Thị Tâm, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm

Bà Đặng Thị Tâm, cán bộ Tư pháp – Hộ tịch phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho hay, đặc thù của phường Hàng Đào nói riêng và của phường khu phố cổ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nói chung, nơi đây tập trung nhiều dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, khách sạn và du lịch. Do vậy, việc tuyên truyền, PBGDPL của UBND phường tập trung hướng về cơ sở, bám sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân trên địa bàn phường.

Những năm qua, phường đã có nhiều mô hình, cách làm hay nhằm triển khai hiệu quả công tác PBGDPL. Trong đó, tổ chức hội nghị tuyên truyền pháp luật với sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn phường; PBGDPL thông qua tủ sách pháp luật; Thông qua sinh hoạt câu lạc bộ (Câu lạc bộ B93,..) và sinh hoạt tổ dân phố; PBGDPL thông qua tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật; Các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở; Ký cam kết gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật (ký cam kết đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; cam kết tháo dỡ mái che, mái vẩy sai quy định; cam kết phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ,…).

Bà Tâm cũng khẳng định “PBGDPL gắn với ứng dụng CNTT, UBND phường Hàng Đào đã triển khai hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng, thuận tiện hơn. UBND phường cập nhật thường xuyên nội dung bài viết, tin bài viết trên Cổng thông tin điện tử của phường; Bảng tin, trạm tin của phường.

Đặc biệt, trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, UBND phường đã áp dụng mạng xã hội như: facebook, zalo nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL. Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL đã thể hiện được sự đổi mới, đa dạng hóa hình thức tiếp cận pháp luật cho người dân, được người dân tích cực đón nhận, góp phần thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, phường Hàng Đào cũng đã tích cực phổ biến pháp luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, phát hành tờ gấp”.

Tọa đàm “10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống”
Ông Đàm Văn Huân: "Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã tăng cường đẩy mạnh công tác tập huấn đối với hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên và thực hiện có hiệu quả Đề án 02-212"

Ông Đàm Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, qua 10 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và “Ngày Pháp luật 9/11” giai đoạn 2013 - 2022 trên địa bàn TP, cơ bản đã đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Từ đó, nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của công dân, khơi dậy lòng yêu nước qua các đợt tuyên truyền về biển đảo, góp phần phòng ngừa sai phạm, tiêu cực, nâng cao tinh thần đấu tranh trấn áp tội phạm, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật và tinh thần mạnh dạn tố giác tội phạm trong quần chúng nhân dân, phục vụ có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế xã hội, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội triển khai đồng bộ, công tác PBGDPL thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, có sự tham gia vào cuộc của tất cả các cơ quan, đơn vị; nội dung PBGDPL ngày càng bám sát công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật với nhu cầu cuộc sống. Cùng với việc phổ biến các quy định của pháp luật, đã chú trọng hơn đến giáo dục ý thức pháp luật gắn với hành vi thực thi pháp luật.

Tạo sự chuyển biến tích cực trong ý thức tự giác chấp hành Hiến pháp và pháp luật
Xây dựng tiểu phẩm đặc sắc tuyên truyền pháp luật nhân Ngày pháp luật Việt Nam
Lan tỏa sâu rộng tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật
Dấu ấn 10 năm Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đi vào cuộc sống

Nhóm PV

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.