Mô hình “Cầu thang pháp luật”:

Gắn phổ biến pháp luật với định hướng xây dựng chính quyền điện tử

Thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật qua thiết bị điện tử tại các tòa nhà chung cư và màn hình led theo mô hình “Cầu thang pháp luật”. Nội dung tuyên truyền đa dạng, gần gũi, thiết thực với đời sống hàng ngày của người dân…
Hà Nội đẩy mạnh việc tuyên truyền PBGDPL theo mô hình “Cầu thang pháp luật”
Hà Nội đẩy mạnh việc tuyên truyền PBGDPL theo mô hình “Cầu thang pháp luật”

Đã chuẩn bị các điều kiện hạ tầng, kỹ thuật

Quận Ba Đình với hơn 20 tòa nhà chung cư cao cấp (có thang máy và lắp đặt màn hình điện tử trong thang máy), việc triển khai mô hình “Cầu thang pháp luật” nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác PBGDPL gắn với định hướng xây dựng chính quyền điện tử là nhiệm vụ được quận rất quan tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH, góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân quận Ba Đình nói chung và tại các tòa nhà chung cư nói riêng.

Thực hiện Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 08/8/2019 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”, ngay từ năm 2020, UBND quận Ba Đình đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai tuyên truyền, PBGDPL theo mô hình “Cầu thang pháp luật” trên các thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy hoặc màn hình cảm ứng thông minh tại các nhà chung cư với sự tham gia của đại diện các phòng, ngành chuyên môn có liên quan thuộc UBND quận, UBND các phường, đại diện Ban quản trị (hoặc Ban quản lý) các tòa nhà chung cư, tổ trưởng dân phố nơi có các tòa nhà chung cư.

Thời gian vừa qua, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin quận đã đăng tải các video tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử quận; phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Phòng Văn hóa và Thông tin, UBND các phường hướng dẫn cài đặt thông tin tuyên truyền, PBGDPL theo mô hình “Cầu thang pháp luật” trên các thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy hoặc màn hình cảm ứng thông minh tại các nhà chung cư thuộc các phường trên địa bàn.

Việc phát video tuyên truyền tại các chung cư đã được thực hiện từ năm 2020 và trong các năm tiếp theo. Hàng ngày, tại các chung cư sẽ bố trí tối thiểu khoảng 30 phút, thời gian phát từ 07h00 đến trước 21h00. Hình thức phát dưới dạng đan xen video tuyên truyền pháp luật với các video quảng cáo khác (mà các thiết bị điện tử lắp đặt tại thang máy trong các tòa nhà hoặc màn hình cảm ứng thông minh đang thực hiện) nhằm tăng cường việc tuyên truyền, PBGDPL theo mô hình “Cầu thang pháp luật” bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Để tiến tới xây dựng chính quyền điện tử, quận đã chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật như đường truyền, màn hình led, hệ thống máy tính… Cùng với đó, quận đã trang bị màn hình led tại trụ sở UBND quận để tuyên truyền các sự kiện, các nhiệm vụ quan trọng của quận, đồng thời đan xen việc phát các video tuyên truyền của HĐPBGDPL TP.

Hiện nay, không chỉ thực hiện mô hình tuyên truyền “Cầu thang pháp luật” tại các chung cư, quận còn triển khai các màn hình led tại các trường trên địa bàn, vừa tuyên truyền các hoạt động của nhà trường, đồng thời kết hợp PBGDPL cho giáo viên, học sinh trong trường thực sự hiệu quả.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc triển khai mô hình vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định. Cụ thể, các tòa nhà chung cư lớn hầu hết đều do các tập đoàn, Cty lớn là chủ đầu tư nên việc UBND phường phối hợp thực hiện mô hình tương đối khó do các tập đoàn, Cty không chịu sự quản lý của UBND phường.

Mặt khác, các màn hình led tại các thang máy của nhà chung cư đều phục vụ cho mục đích kinh doanh quảng cáo nên việc dừng để phát các nội dung tuyên truyền PBGDPL sẽ ảnh hưởng đến thời lượng và nguồn thu của đơn vị chủ quản nên ít được chào đón. Cư dân tại nhiều chung cư là người nước ngoài thuê nên việc tuyên truyền theo mô hình này cho đối tượng người nước ngoài là chưa phù hợp.

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác PBGDPL cần hoàn thiện hệ thống pháp luật - tạo môi trường thuận lợi để pháp luật đi vào cuộc sống. Thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của Nhân dân đối với pháp luật, để họ hiểu được rằng, pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp…

Tăng cường hơn nữa quyền tham gia đóng góp ý kiến của Nhân dân vào các dự án luật, có tác dụng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất lớn và có hiệu quả. Kết hợp PBGDPL và hướng dẫn áp dụng pháp luật. Kết hợp PBGDPL với trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và hòa giải ở cơ sở nhằm xây dựng ý thức pháp luật, tăng cường sự hiểu biết pháp luật, khuyến khích thói quen ứng xử xã hội bằng pháp luật trong Nhân dân…

Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo mô hình “Cầu thang pháp luật”, vừa qua, Sở Tư pháp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện 6 video với các nội dung: Một số quy định của pháp luật về giữ gìn vệ sinh môi trường, quy tắc ứng xử nơi công cộng, quy định của pháp luật đối với vật nuôi, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, một số hành vi nghiêm cấm trong sử dụng không gian chung và riêng tại nhà chung cư, cách sử dụng thang máy. Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL TP tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình led trên địa bàn TP.
CATP Hà Nội: Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông trong trường học
Tuyên truyền pháp luật cho người lao động, người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp
Hội Người mù TP Hà Nội: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người khiếm thị
Phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù với nhiều hình thức, nội dung thiết thực

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.