Lập vi bằng ghi nhận việc chiếm giữ trái phép nhà, tài sản

Khi tiếp nhận yêu cầu ghi nhận việc chiếm giữ trái phép nhà, trụ sở, tài sản, thừa phát lại (TPL) đề nghị người yêu cầu cung cấp các giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà, trụ sở, tài sản mà người yêu cầu cho rằng đang bị người khác chiếm giữ.
TPL lập vi bằng về nhà bị chiếm giữ trái phép
TPL lập vi bằng về nhà bị chiếm giữ trái phép

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Quyên, TPL thuộc Văn phòng TPL Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, hoạt động lập vi bằng của TPL có tầm quan trọng, giúp người dân chủ động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phòng ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra trong tương lai. Hiện nay, pháp luật không quy định một cách cụ thể về phạm vi, nội dung lập vi bằng của TPL. Việc phân định dạng vi bằng chỉ mang tính chất tương đối. Do đó, TPL là người phải tự nhận định xem việc này có lập được vi bằng hay không, thuộc dạng gì và phải lập vi bằng như thế nào để đảm bảo nguyên tắc khách quan, trung thực và là nguồn chứng cứ cho người yêu cầu sử dụng khi cần thiết.

Với dạng vi bằng ghi nhận việc chiếm giữ trái phép nhà, trụ sở, tài sản, khi tiếp nhận yêu cầu, TPL đề nghị người yêu cầu cung cấp những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, sử dụng của mình đối với nhà, trụ sở hay tài sản mà người yêu cầu cho rằng đang bị người khác chiếm giữ. Đồng thời, TPL cần trao đổi với người yêu cầu để nắm bắt sơ bộ hiện trạng nhà, trụ sở hay tài sản đó; thái độ của người đang chiếm giữ trái phép tài sản.

Bà Quyên cho biết thêm, với các trường hợp lập vi bằng ghi nhận việc chiếm giữ trái phép nhà, trụ sở, tài sản, do có tranh chấp nên người chiếm giữ thường có thái độ không hợp tác, chống đối, cản trở, hành hung đối với TPL trong quá trình lập vi bằng. Vì vậy, trước khi tiến hành lập vi bằng, TPL cần dự kiến các phương án để phòng ngừa mọi rủi ro có thể xảy ra, tránh thiệt hại về con người, phương tiện, bảo đảm an toàn cho quá trình lập vi bằng. Để việc lập vi bằng được an toàn và hiệu quả, TPL nên tư vấn cho người yêu cầu mời đại diện chính quyền địa phương tham gia… Trường hợp cần thiết có thể tư vấn người yêu cầu mời CA khu vực tham gia buổi lập vi bằng.

Khi tiến hành lập vi bằng, TPL chỉ ghi nhận, mô tả những gì TPL nhìn thấy, trực tiếp chứng kiến như trong nhà đang có người sinh sống, hiện trạng tài sản trong nhà… đồng thời để chứng minh cho việc mô tả của mình, TPL nên chụp ảnh, quay phim toàn bộ quá trình lập vi bằng để làm tài liệu đính kèm vi bằng. TPL lưu ý, không được ghi nhận ý kiến chủ quan trong vi bằng như khẳng định việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản của họ là trái phép; khẳng định danh tính của người đang chiếm giữ khi chưa có căn cứ xác định chính xác danh tính của họ…

Trong trường hợp nhà, trụ sở mở cửa nhưng có người cản trở, ngăn cản, hành hung, la hét, mắng chửi… thì TPL nên ghi âm, quay phim những lời nói, hành động của họ để đính kèm vi bằng.

Ví dụ, chị Hà Thị N là người mua nhà của vợ chồng bà Trần Thị Lan P. Hai bên thỏa thuận sẽ cho gia đình bà P ở thêm 1 tháng để tìm nhà mới. Sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, chị N đã làm thủ tục sang tên mình theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng sau đó, vợ chồng bà Trần Thị Lan P lại trở mặt đòi thêm tiền và nhất định không chịu bàn giao nhà cho chị Hà Thị N. Chị Hà Thị N mời TPL đến ghi nhận việc vợ chồng bà Trần Thị Lan P đã chiếm giữ nhà trái pháp luật.

Để lập vi bằng, TPL cần yêu cầu chị N cung cấp các tài liệu, giấy tờ về ngôi nhà mà chị N đã mua. TPL trao đổi với chị N về hiện trạng nhà, thái độ của vợ chồng bà P và yêu cầu của họ. Sau khi tiếp nhận thông tin, TPL trao đổi với chị N nên mời chính quyền địa phương và CA khu vực có mặt tại buổi lập vi bằng.

Quá trình lập vi bằng, TPL ghi nhận, mô tả những gì TPL nhìn thấy, trực tiếp chứng kiến, TPL nên chụp ảnh, quay phim toàn bộ quá trình lập vi bằng để làm tài liệu đính kèm vi bằng.

Lập vi bằng cử người đại diện trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
Lập vi bằng ghi nhận việc giao thông báo theo yêu cầu
Lập vi bằng ghi nhận việc mở niêm phong, kiểm kê tài sản

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.