Hệ sinh thái nông thôn mới Hà Nội:

Mang hình thái riêng của Thủ đô văn hiến

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đối với các vùng ven đô của Hà Nội đòi hỏi phải tích hợp với tiêu chí trở thành phường, thành quận trong tương lai. Điều đó có nghĩa, NTM Hà Nội không chỉ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí tại Bộ tiêu chí quốc gia về NTM mà còn mang hình thái phát triển riêng có của một Thủ đô văn hiến. Nói cách khác, NTM Hà Nội phát triển trên nhiều chiều, gắn với một đô thị hiện đại mang tầm khu vực và thế giới nhưng vẫn phải giữ được chiều sâu văn hóa làm nền tảng phát triển bền vững.
NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Nội đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố mang nét riêng của Thủ đô
NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Nội đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố mang nét riêng của Thủ đô

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội, đến nay, đã có 48 xã của TP được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Riêng huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đang thực hiện các bước đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao đầu tiên của Thủ đô.

Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Nội gắn với tiến trình đô thị hóa, nên dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện. Bởi khu vực ven đô có mật độ dân số cao, hoạt động dân sinh đan xen sản xuất nông nghiệp, làng nghề… nên TP sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Việc thúc đẩy hạ tầng giao thông, phát triển các dự án đô thị… sẽ tác động mạnh mẽ đến môi trường sinh thái, không gian kiến trúc, hoạt động kinh tế, tập quán dân cư… Do vậy, để xây dựng NTM theo hướng đô thị, Hà Nội cần chủ động giải quyết các vấn đề này. Đây không phải là câu chuyện ngày một, ngày hai có thể làm được.

TP đã đã triển khai nhiều giải pháp mang tính nền tảng, thực tế cho thấy, TP đã tạo ra hướng đi riêng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng NTM. Nỗ lực, bền bỉ dồn điền đổi thửa, Hà Nội đã có được nền tảng bước đầu để thúc đẩy một nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại, công nghệ cao. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, diện mạo nông thôn Thủ đô từ làng ra ruộng đã có những thay đổi rõ nét… Vấn đề lúc này với các địa phương là làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Trong đó chú trọng dự trữ đất đai cho việc phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ, hình thành không gian mở cho hoạt động cộng đồng; đồng thời kết nối hài hòa giữa làng xóm hiện hữu với khu vực phát triển mới theo hướng đô thị.

Cùng với việc xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái; nâng cao giá trị sản phẩm làng nghề gắn với bảo vệ môi trường cũng như gia tăng các loại hình dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở…, các địa phương cần tăng cường giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống (cả vật thể và phi vật thể), không gian kiến trúc làng quê..., qua đó tạo ra những miền quê đáng sống, những cộng đồng văn hóa - chủ thể của NTM mang đặc trưng Hà Nội.

Không chỉ đáp ứng yêu cầu cao về tiêu chí, chất lượng tiêu chí mà trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương còn phải chủ động giải quyết những vấn đề liên quan tới phát triển đô thị trong tương lai. Giải bài toán hài hòa giữa truyền thống và đương đại, giữa phát triển và gìn giữ môi trường… không đơn giản chỉ là kinh phí và quyết tâm, mà NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của Hà Nội đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố mang nét riêng của Thủ đô.

Hà Nội duy trì xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới
Đô thị hóa nông thôn theo hướng xanh - văn hiến - văn minh
Tạo cơ sở thực hiện đánh giá các tiêu chí tiếp cận pháp luật thống nhất trên cả nước
Quy định tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu TP Hà Nội
Dồn sức để về đích nông thôn mới

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.