Đề xuất bổ sung điều kiện chứng minh năng lực tài chính khi đăng ký đấu giá

Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng GĐ Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cho biết, Cty vừa có góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Theo đó, Cty đề xuất cần bổ sung thêm điều kiện chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng GĐ Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng GĐ Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt

Trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng GĐ Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cho biết, mới đây, Cty đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp về việc đóng góp ý kiến về quy định tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp).

Theo đó, sau khi được tham khảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định), Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt đã đóng góp ý kiến về quy định tại điểm đ khoản 1, khoản 3, 4, 5, 6 Điều 17a quy định tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có tài sản đảm bảo (tài sản thế chấp) cho tổ chức đấu giá tài sản để đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 24 Luật Đấu giá tài sản thì tổ chức đấu giá tài sản chỉ thực hiện việc đấu giá tài sản theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đấu giá tài sản như niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá; bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thu tiền đặt trước theo quy định.... mà không phải là bên có tài sản đấu giá. Luật Đấu giá tài sản hiện hành không có quy định tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ nhận tài sản bảo đảm của người đăng ký tham gia đấu giá.

Theo quy định tại Điều 239 Bộ luật dân sự 2015, có thể hiểu biện pháp bảo đảm là những cách thức, giải pháp nhằm bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ, cụ thể trong lĩnh vực đấu giá tài sản thì đối tượng áp dụng biện pháp bảo đảm để thực hiện việc mua bán tài sản là chủ tài sản và người có nhu cầu mua tài sản.

Do đó, tổ chức đấu giá tài sản không có nghĩa vụ cũng như chức năng để thực hiện việc nhận tài sản bảo đảm (tài sản thế chấp) của người tham gia đấu giá. Ngoài ra, tổ chức đấu giá tài sản cũng không có chuyên môn trong việc xác minh, thẩm định giá trị của tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với những tài sản phải đăng ký giao dịch bảo đảm), xử lý tài sản bảo đảm. Hơn nữa, theo Điều 35, Điều 57 Luật Đấu giá tài sản, thời hạn thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá (từ khi niêm yết, thông báo công khai cho đến khi tổ chức cuộc đấu giá chỉ có hơn 15 ngày).

Vì vậy, tổ chức đấu giá tài sản không có đủ thẩm quyền, kiến thức chuyên môn và quỹ thời gian để thực hiện tất cả các quy trình liên quan đến việc nhận thế chấp tài sản, đặc biệt đối với các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất có số lượng lớn người tham dự. Ngoài ra, việc nhận tài sản bảo đảm phải đăng ký biến động tài sản giao dịch bảo đảm và phải đến cơ quan chức năng làm thủ tục đăng ký bảo đảm, tiềm ẩn nguy cơ về rò rỉ thông tin của người tham gia đấu giá, có thể dẫn đến “thông đồng, dìm giá” giữa những người tham gia đấu giá. Như vậy, quy định nêu trên của dự thảo Nghị định là chưa phù hợp với Luật Đấu giá tài sản, không đảm bảo khả thi, gây khó khăn cho công tác tổ chức đấu giá tài sản, tạo rào cản cho người đăng ký tham gia đấu giá.

Chính vì vậy, Cty Đấu giá hợp danh Lạc Việt kiến nghị, đề xuất xem xét điều chỉnh quy định nêu trên và đề xuất một số biện pháp như sau: Ngoài các quy định tại Điều 58 Luật Đất đai 2013, cần bổ sung thêm điều kiện chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, phải đáp ứng đủ khả năng nộp tiền trúng đấu giá bằng việc thể hiện ở tài sản hiện có của DN là tiền mặt đáp ứng đủ các dự án đang thực hiện và dự án đăng ký tham gia đấu giá. Đồng thời, báo cáo tài chính 2 năm liên tiếp liền kề phải có lãi tối thiểu bằng 20% mức đầu tư của dự án.

Khi nhà đầu tư, DN vi phạm không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định cần có chế tài cấm tổ chức, DN, Cty con của DN không được tham gia đấu giá các dự án bất động sản và tương tự trong vòng 5 năm kể từ năm liền sau năm dự án vừa tổ chức đấu giá.

Giảm 10% phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
Giảm phí công chứng với hợp đồng mua bán tài sản đấu giá
Vì sao nhiều tài sản đấu giá thi hành án không thành?
Quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.