Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát là mục tiêu cấp bách, chiến lược

Vừa qua, tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

Nền kinh tế có bước phục hồi tích cực

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 có xu hướng ổn định, tình hình thế giới liên tục xuất hiện những yếu tố mới, có tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn, toàn diện đến các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, có độ mở kinh tế lớn, phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Tình hình thế giới nhìn chung diễn biến theo chiều hướng phức tạp, kém lạc quan hơn. Tình hình trong nước, một thời gian khá dài đã duy trì tăng trưởng cao, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn về năng lượng, nợ Chính phủ giảm mạnh… Ngay cả giai đoạn khó khăn nhất của dịch Covid-19 trong năm 2020-2021 thì thành quả này cũng được duy trì.

Trong năm 2021, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân chỉ tăng 1,84%; mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng trưởng tích cực, tỉ giá, thị trường ngoại tệ ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm, thu ngân sách Nhà nước vượt cao so với số dự toán, nền kinh tế xuất siêu hơn 4 tỷ USD. Nền kinh tế có bước phục hồi tích cực ngay từ đầu năm 2022, tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%); nếu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa thì có khả năng sẽ đạt cao hơn ước tính ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn giữ vững được môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nhất là trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn mất ổn định, đối mặt với rủi ro suy thoái.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý III năm 2022 mặc dù dự báo đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng quý III năm 2021 rất thấp (-6,17% so với cùng kỳ), áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022, năm 2023 ngày càng gia tăng. Trong khi đó, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; giá điện, khí đốt, lạm phát có khả năng đạt đỉnh trong năm 2022; Trong bối cảnh đó, giữ vững ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển.

Giải pháp trọng tâm thời gian tới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội, với tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm (6,5-7%/năm), không làm suy yếu các động lực tăng trưởng, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số…; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

Liên quan đến quan điểm điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, yêu cầu thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 (2022-2023); chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp căn cơ trong trung và dài hạn, để phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển 5 năm đề ra; bảo đảm hài hòa, gắn kết chặt chẽ giữa việc thực hiện các giải pháp để vừa phục hồi, vừa tăng trưởng vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và duy trì động lực tăng trưởng trong dài hạn, khai thác các động lực tăng trưởng mới. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cần chủ động theo dõi diễn biến, tình hình trong nước, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với nhau và với các cơ quan liên quan để có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, phù hợp với bối cảnh, tình hình, điều kiện nguồn lực của nền kinh tế. Chính sách thương mại, sản xuất cần chủ động đánh giá, dự báo các mặt hàng có khả năng thiếu hụt tạm thời và trong dài hạn, để có phương án điều tiết về nguồn cung hàng hóa, sản xuất trong nước, nhất là thời gian cuối năm 2022, đầu năm 2023…

Chính sách về đầu tư, huy động nguồn lực, cần tiếp tục đẩy nhanh lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao hiệu quả hoạt động để phát huy nguồn lực của DN Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện quy định về trái phiếu DN, thị trường chứng khoán phái sinh, triển khai các giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán nước ta từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, để giảm bớt áp lực huy động vốn trung và dài hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, bao gồm cả các giải pháp cần triển khai ngay trong ngắn hạn và các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ trong trung và dài hạn cần chuẩn bị thực hiện ngay nhằm nâng cao năng lực và tính tự chủ của nền kinh tế, đạt được các mục tiêu đặt ra, phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: Kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu
Tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra trong khi vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc hơn
Việc làm được ưu tiên khi hoạch định các gói chính sách kinh tế vĩ mô
Đẩy nhanh chiến lược vaccine và coi trọng đảm bảo kinh tế vĩ mô

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.