TAND huyện Thạch Thất:

Lần đầu tiên xét xử trực tuyến các vụ án liên quan đến ma túy

TAND huyện Thạch Thất, Hà Nội, vừa mở phiên tòa xét xử trực tuyến các vụ án liên quan đến ma túy.
Phiên tòa xét xử trực tuyến của TAND huyện Thạch Thất
Phiên tòa xét xử trực tuyến của TAND huyện Thạch Thất

Theo đó, điểm cầu trung tâm là phòng xét xử trực tuyến, trụ sở TAND TP Hà Nội và điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam số 1, CA TP Hà Nội. Để chuẩn bị cho phiên tòa, công tác nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị cơ sở vật chất và số hóa các tài liệu, văn bản, triển khai đường truyền từ 2 đầu cầu, TAND huyện Thạch Thất đã chuẩn bị kỹ lưỡng.

Phía TAND huyện cho biết, công tác phối hợp giữa các điểm cầu được tòa án và Trại tạm giam thực hiện đồng bộ, thống nhất. Bị cáo trả lời các câu hỏi thẩm vấn của HĐXX, đại diện VKS… thông qua hệ thống màn hình kết nối giữa 2 điểm cầu.

Các vụ án được đưa ra xét xử gồm:

Vụ thứ nhất, khoảng 16h ngày 13/4/2022, Nguyễn Hải Yến, SN 1981, trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đang ở tại một nhà nghỉ thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, thì nhận được cuộc gọi của người phụ nữ tên Phương, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội, hỏi mua 10g ma túy Methamphetamine (ma túy “đá”) và 20 viên ma túy hồng phiến. Yến ra giá, 5 triệu đồng, Phương đồng ý và hẹn Yến mang ma túy về xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, giao dịch.

Sau đó, Yến điều khiển xe máy đi đến một cầu chui thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, tìm mua ma túy. Yến mua của một người đàn ông không quen biết, khoảng 40 tuổi, được 10g ma túy Methamphetamine và 20 viên ma túy hồng phiến với số tiền là 4.500.000 đồng. Sau đó, Yến đến thôn 4, xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội, để bán ma túy cho Phương, trong lúc đang đợi Phương đến để bán ma túy thì bị lực lượng CA kiểm tra phát hiện, bắt giữ tại chỗ.

Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng, chất tinh thể màu trắng bên trong 1 túi ni-lon là ma túy loại Methamphetamine, khối lượng 10,964g; 20 viên nén màu hồng đều là ma túy loại Methamphetamine, khối lượng 1,926g.

Tại tòa, Yến nhận tội và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho mình. Với người phụ nữ tên Phương mua ma túy của Yến, Yến nói, không biết họ tên đầy đủ, địa chỉ cụ thể của người này,…Vì vậy, CQCA không có căn cứ để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

HĐXX sơ thẩm TAND huyện Thạch Thất đã quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Yến mức án 8 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Trước đó, năm 2005, Yến bị phòng CSĐT tội phạm về ma túy - CA TP Hà Nội xử phạt hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; năm 2006 bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, “Cố ý gây thương tích”; năm 2016 Yến tiếp tục bị TAND quận Hoàn Kiếm xử phạt 30 tháng tù giam về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Vụ thứ hai, trưa 12/5/2022, Lê Văn An, SN 1990, trú tại xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, thuê xe ôm của một người đàn ông không quen biết đi từ thôn 5, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, đến khu vực thôn Yên Lạc 1, xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, để tìm mua ma túy về sử dụng.

Tại đây, An gặp 1 người đàn phụ nữ không quen biết, giới thiệu tên là Lan và mua được của Lan 1 gói giấy bạc, bên trong có 2 gói giấy loại giấy vở học sinh bên trong chứa ma túy heroin với giá 200.000 đồng. Sau đó, An mang theo ma túy rồi đi bộ đến khu vực chợ Cầu thuộc thôn Yên Lạc 1 thì CQCA kiểm tra, phát hiện, bắt giữ.

Theo bản kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự - CA TP Hà Nội, chất bột màu trắng bên trong 2 gói giấy học sinh đều là ma túy loại Heroine, tổng khối lượng 0,367g.

HĐXX sơ thẩm TAND huyện Thạch Thất đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn An 15 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Cùng ngày, TAND huyện Thạch thất cũng mở phiên tòa xét xử trực tuyến với bị cáo Lê Thành Nam, SN 2001, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Nam khai, khoảng 13h ngày 11/5/2022, Lê Thành Nam đi đến khu vực đầu cầu vượt ở xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội, gặp một người phụ nữ không quen biết, khoảng 35 tuổi và được người này giới thiệu tên là Phương. Sau khi thỏa thuận Phương đồng ý bán cho Nam 1 túi nilon bên trong có chứa ma túy “đá” với giá 300 nghìn đồng. Mua được ma túy, Nam cất giấu vào túi quần rồi đi nhờ xe của một người đàn ông khoảng 25 tuổi đang đi trên đường.

Đến khoảng 14h15 cùng ngày, Nam đi nhờ xe đến khu vực cây đa rồi xuống xe và đi bộ vào quán internet “Thái Sơn” thuộc thôn Yên Mỹ, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất để chơi điện tử, thì CQCA kiểm tra, phát hiện Nam đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Nam được xác định, đã mua bán 0,351g Methamphetamine. TAND huyện Thạch Thất đã tuyên phạt bị cáo Nam 15 tháng tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Thẩm phán Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh tòa hình sự, TAND TP Hà Nội cho biết, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà cho cả lâu dài khi việc áp dụng và triển khai đi vào quy củ và khắc phục được những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Việc xét xử trực tuyến nhằm hỗ trợ và dần thay thế phiên tòa trực tiếp, giúp tòa án nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xét xử của TAND các cấp. Phiên tòa trực tuyến còn một phần giúp cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt hơn.

Với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh cũng như hỗ trợ xử lý giảm tải quá hạn, giúp cho việc giải quyết án được kịp thời, tránh cho đương sự phải di chuyển đi lại tốn kém, giúp cho việc tham gia phiên tòa của các đương sự được đầy đủ hơn, nâng cao hoạt động tranh tụng và hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã tổ chức họp và điều hành một số hoạt động qua phương thức trực tuyến.

Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và góp phần bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm dịch bệnh phát triển bùng phát.

Vì vậy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đang được tất cả các tòa án tại Việt Nam triển khai và thực hiện. Nhiều người băn khoăn về phiên tòa trực tuyến sẽ không đảm bảo về tranh tụng vì diễn biến phiên tòa không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.

Ngành Tòa án đảm bảo mục tiêu kép trong xét xử
TAND kết nối phiên tòa xét xử trực tuyến tại các điểm cầu
Xét xử trực tuyến các bị cáo “xách hàng trắng”
Lần đầu tiên xét xử trực tuyến vụ án hành chính

Bảo Lâm

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.