Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua đã tạo áp lực lớn lên môi trường của Hà Nội. Thủ đô hiện đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường
Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội phối hợp với Đoàn Thanh niên CAQ Long Biên tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho khoảng 600 học sinh trường Trung học cơ sở Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. (Ảnh: CATP Hà Nội)

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có hiệu lực, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã triển khai đồng bộ giải pháp bảo vệ môi trường.

UBND thành phố đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; tăng cường thẩm định hồ sơ, cấp phép về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều điểm nóng đặc biệt là tại các khu vực tập trung nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trên địa bàn Thủ đô thời gian tới được Ban Tuyên giáo Thành ủy định hướng:

Một là, tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; làm rõ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với việc bảo vệ môi trường, phát triển bền vững đất nước được nêu trong các nghị quyết của Đảng qua các nhiệm kỳ, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hai là, tuyên truyền những kết quả, thành tựu trong công tác bảo vệ môi trường thời gian qua ở các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là kết quả nổi bật, như: Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường tiếp tục được hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát về môi trường được tăng cường, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật một số vụ gây ô nhiễm nghiêm trọng; thúc đẩy sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường; nâng cao năng lực nghiên cứu, giám sát biến đổi khí hậu, dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo thiên tai…

Ba là, tuyên truyền những tác động, cản trở của sự ô nhiễm, suy thoái môi trường tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước; những khó khăn, thách thức đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, khích lệ đề xuất, khuyến khích giải pháp khoa học-công nghệ, đổi mới, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Tăng cường truyên truyền đối ngoại, chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường…, đồng thời, giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Đối với thực tiễn các địa phương, việc tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các hoạt động TTPBGDPL nói chung tại các quận, huyện, thị xã.

Trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thị xã, UBND các xã, phường trên địa bàn triển khai thực hiện việc TTPBGDPL và các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành tới đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân thị xã dưới nhiều hình thức phong phú như thông qua tổ chức hội nghị triển khai tại thị xã, qua hệ thống truyền thanh, qua cấp phát tài liệu, thông qua các hội nghị giao ban, tuyên truyền qua Cổng thông tin điện tử thị xã, qua tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật và các hình thức phù hợp khác, trong đó có TTPBGDPL về môi trường.

Theo đó, thói quen giữ gìn, bảo vệ môi trường của người dân thị xã Sơn Tây đã được nâng cao hơn. Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Hợi, mỗi năm, Hội Nông dân thị xã vận động các cấp Hội cơ sở xây dựng ít nhất 12 mô hình bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các xã cũng xây dựng các mô hình, như: Tuyến phố văn minh kiểu mẫu với 60 chậu hoa trị giá 4,5 triệu đồng; thu gom tàn dư thực vật trên đồng ruộng để xử lý bằng chế phẩm sinh học ở phường Viên Sơn; vườn điểm trồng cây ăn quả với diện tích 4.000m2 ở xã Sơn Đông...

Với khối Sở, ngành, việc TTPBGDPL về môi trường được chú trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tuyên truyền, quán triệt ngay từ đầu năm học cho cán bộ chủ chốt 30 Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện, thị xã, các trường trung học phổ thông, trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, các trường sư phạm về chủ đề năm công tác của thành phố. Các nhà trường, cơ sở giáo dục thuộc Sở đều xây dựng kế hoạch và triển khai tuyên truyền, PBGDPL đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Các nội dung được tập trung tuyên truyền là pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, phòng chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; Quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục, Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Quy tắc ứng xử trên môi trường mạng...

Hà Nội: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường
Nhiều hoạt động TTPBGDPL cho học sinh trên địa bàn Thủ đô được tổ chức linh động, các em hưởng ứng nhiệt tình. (Ảnh: CATP Hà Nội)

Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, để phong trào chung tay bảo vệ môi trường đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thực tế lâu dài, nhà trường cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực như: gắn việc bảo vệ môi trường với phong trào công tác Đội; tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện truyền thông, trang web, bảng tin nhà trường, bảng tin công tác Đội…

Những hoạt động thiết thực từ các địa phương, các đơn vị cơ sở để thực hiện TTPBGDPL về môi trường đã và đang góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong thái độ, hành động của người dân Hà Nội trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Tăng cường TTPBGDPL ở các địa bàn trọng điểm: Góp phần ổn định ANTT và an toàn xã hội Tăng cường TTPBGDPL ở các địa bàn trọng điểm: Góp phần ổn định ANTT và an toàn xã hội

Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật giai ...

Tăng cường tuyền truyền, phổ biến pháp luật về công tác PCCC&CNCH cho các lực lượng và các khu dân cư Tăng cường tuyền truyền, phổ biến pháp luật về công tác PCCC&CNCH cho các lực lượng và các khu dân cư

Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) trên địa bàn, đặc biệt vào cao điểm cuối năm, ...

Thế Vinh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.