Vụ đưa người sang Campuchia trái phép: Các đối tượng phạm tội nhiều lần?

Cơ quan an ninh điều tra CA tỉnh An Giang đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 2 bị can về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, liên quan vụ 40 người tháo chạy khỏi casino Campuchia.
Vụ đưa người sang Campuchia trái phép
Đối tượng Lê Văn Danh và Nguyễn Thị Lệ tại CQCA

Hai bị can bị khởi tố, bắt tạm giam là Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi, đều ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Qua công tác điều tra, xác minh, ghi lời khai thì có 6 trong số hơn 40 người tháo chạy về Việt Nam đã khai nhận được 2 bị can Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh tổ chức đưa sang Campuchia vào tháng 4/2022.

Theo đó, khoảng đầu năm 2022, Lệ được một người đàn ông chưa rõ nhân thân, lai lịch ở Campuchia câu móc đưa người sang Campuchia trái phép. Lệ tiếp tục câu móc Danh tham gia. Theo thỏa thuận, cứ đưa 1 người sang Campuchia thì người đàn ông ở Campuchia sẽ trả cho Lệ 300.000 đồng, còn Lệ sẽ trả tiền công cho Danh 100.000 đồng/người.

Từ khi tham gia đưa người đến nay Lệ và Danh đã đưa trót lọt rất nhiều lần, nhiều người sang Campuchia. Trong đó ngày 25/4, Lệ cùng con ruột là Nguyễn Văn Hùng (17 tuổi) đưa trót lọt 3 người sang Campuchia. Ngày 28/4, Lệ và Danh đưa trót lọt 5 người sang Campuchia.

Trong số những người bị Lệ và Danh đưa sang Campuchia, có 6 người nằm trong 40 người bơi sang sông Bình Di về Việt Nam vào ngày 18/8. Còn lại 2 người vẫn đang ở Campuchia.

Hiện vụ việc đang được lực lượng an ninh điều tra CA tỉnh An Giang tiếp tục điều tra mở rộng.

Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh phải thực hiện theo quy định của Luật xuất nhập cảnh nhằm quản lý dân cư, đảm bảo an ninh trật tự.

Những hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại nước ngoài trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép là những hành vi vi phạm pháp luật. Bởi hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, làm mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong xã hội nên người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự.

Cụ thể là bị xử lý về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” theo quy định tại Điều 348 BLHS sự 2015.

Theo luật sư Thái, trường hợp kết quả điều tra cho thấy các đối tượng phạm tội nhiều lần, tổ chức đối với 11 người trở lên trốn đi nước ngoài trái phép, hai đối tượng có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 7 đến 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Luật sư Thái cho biết, CQĐT CA Việt Nam sẽ phối hợp với cảnh sát hoàng gia Campuchia để mở rộng điều tra vụ án, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng có liên quan.

Trong đó không loại trừ trường hợp sẽ khởi tố thêm tội “Mua bán người”, tội “Tổ chức đánh bạc trái phép”, tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...

Với những hành vi bắt giữ, đánh đập những người lao động, căn cứ vào hậu quả xảy ra, CQĐT có thể tiếp tục khởi tố vụ án hình sự về tội “Hành hạ người khác”, tội “Cố ý gây thương “, tội “Bắt giữ người trái pháp luật” và các tội danh khác có liên quan theo quy định pháp luật.

Đối với những người Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì họ là nạn nhân trong các vụ án này. Với hành vi giúp sức cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng internet hoặc tổ chức đánh bạc nhưng những người này bị ép buộc và chủ động tố cáo nên có thể sẽ không bị xử lý hình sự.

Trường hợp những người Việt Nam bị lừa bán sang Campuchia biết là giúp sức cho các đối tượng lừa đảo, tổ chức đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật, không bị ép buộc, có thể từ chối, lựa chọn việc làm khác nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì mới bị xử lý với vai trò đồng phạm.

Còn trường hợp họ bị bán, bị ép buộc phải thực hiện hành vi không phải là ý chí của họ thì không phải chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng tội phạm xuyên quốc gia này.

Những nạn nhân sẽ là người làm chứng, phối hợp với cơ quan chức năng để làm rõ hành vi của nhóm đối tượng gây án, để sớm xử lý theo quy định của pháp luật.

Sáng 18/8, Bộ đội Biên phòng An Giang phát hiện và bắt giữ 40 người (35 nam, 5 nữ) từ Casino Rich World nhảy xuống sông Bình Di, bơi về phía Việt Nam.

Qua công tác nắm tình hình và thông tin do người dân cung cấp, lực lượng Bộ đội Biên phòng An Giang xác định có 42 người bơi sang sông Bình Di, nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có 40 người được qua sông, 1 người mất tích trong quá trình bơi qua sông; còn lại 1 người bị bảo vệ Casino Rich World bắt giữ lại.

Ngày 20/8, thi thể người mất tích được tìm thấy gần cầu C3 trên sông Bình Di, huyện An Phú.

Chế tài nào dành cho tội phạm mua bán người?
Cảnh giác với bẫy "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia
Hải Phòng: Cảnh báo bị cưỡng bức lao động khi sang Campuchia tìm việc
Sập bẫy nữ nhân viên massage, thanh niên bị lừa bán sang Campuchia
Cảnh giác với bẫy lừa đảo từ “việc nhẹ lương cao”

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.