Giải pháp nào để lập lại trật tự vỉa hè nhưng đảm bảo sinh kế của người dân?

Không chỉ riêng Việt Nam, mà nhiều TP trên thế giới cũng “đau đầu” tìm giải pháp lập lại trật tự vỉa hè, đường phố. Để quản lý sao cho vỉa hè không trở nên nhếch nhác mà hộ kinh doanh vẫn đảm bảo thu nhập. Điều đó đòi hỏi phải có những quy định cũng như chế tài quản lý sát sao, giám sát chặt chẽ để không còn tình trạng “dân kêu khổ, chính quyền kêu khó”.
Phố Hàng Mã, địa điểm có nhiều cửa hàng buôn bán sầm uất trên vỉa hè, luôn là điểm đến hấp dẫn đầy màu sắc của du khách khi đến với Thủ đô.                 Ảnh: Khánh Huy
Phố Hàng Mã, địa điểm có nhiều cửa hàng buôn bán sầm uất trên vỉa hè, luôn là điểm đến hấp dẫn đầy màu sắc của du khách khi đến với Thủ đô. Ảnh: Khánh Huy

Những nét đặc sắc trong văn hóa vỉa hè ở Hà Nội

Theo thời gian, việc sinh hoạt, buôn bán trên những con phố vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa, đặc trưng khiến người ta nhớ đến Hà Nội. Từ văn hóa ẩm thực, đến văn hóa trà đá và cà phê của Hà Nội cũng xuất hiện ở mọi góc phố, nhất là trong khu phố cổ.

Và cho dù quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh, nhưng trên những con đường, vẫn tồn tại những gánh hàng rong. Người Hà Nội có thể mua được mọi thứ trên gánh hàng từ hoa quả, hay những chiếc xe chở đầy các loài hoa khoe sắc trên các cung đường của TP dường như đã trở thành thương hiệu riêng có của Thủ đô. Đây cũng là một nét văn hóa luôn tồn tại trong đời sống của người Hà Nội.

Nhưng nhiều người cho rằng, “phố nhỏ, ngõ nhỏ” nhưng vẫn bị nhiều hộ lấn chiếm khiến cho người đi bộ phải lưu thông dưới lòng đường đối diện với nguy cơ tiềm ẩn xảy ra TNGT.

Cụ thể, trước đó báo chí đã phản ánh về tình trạng tại địa bàn phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, phố Nguyễn Đình Chiểu hay phố Hoa Lư (có chiều dài chỉ khoảng 300 mét), vỉa hè vốn đã hẹp nhưng cũng bị lấn chiếm. Hầu hết người đi bộ qua những con phố này đều phải đi xuống lòng đường.

Hay tại địa bàn các phường Bưởi và Thụy Khuê, quận Tây Hồ, không khó gì bắt gặp hình ảnh người dân lấn chiếm vỉa hè làm chỗ kinh doanh, với bàn ghế được kê ra mọi khoảng trống trên vỉa hè khiến người đi bộ không còn lối đi.

Tương tự, địa bàn quận Cầu Giấy, nhiều hàng ăn tại phố Nghĩa Tân, phường Nghĩa Tân, vỉa hè được các chủ quán “tận dụng” bày bàn ghế, để xe, chắn hết lối đi dành cho người đi bộ.

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 14233/VP-ĐT đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính về việc sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh, phục vụ du khách trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, hiện trên các tuyến phố của quận đang xảy ra tình trạng lấn chiếm, kinh doanh trái phép tự phát không được quản lý, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Sau thời gian triển khai việc tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh trên hè phố để lập lại trật tự kinh doanh buôn bán tự phát có thể nhận thấy, trái với tình trạng lấn chiếm kinh doanh trái phép tự phát không được quản lý, gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở nhiều khu vực trên tuyến phố được sắp xếp khá gọn gàng, ngăn nắp.

Các biện pháp quản lý hiệu quả từ các đô thị lớn

Tại nhiều TP trên thế giới, hàng rong và các món ăn ẩm thực đường phố trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi người dân, khách du lịch. Để bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị, các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp để quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường, trong đó bao gồm những hình thức xử phạt nghiêm khắc để nâng cao ý thức chấp hành của người dân.

Khi đến với Pháp, cà phê vỉa hè chính là một trong những đặc sắc văn hóa nổi mà mọi người không thể bỏ qua. Các nhà chức trách đã đặt ra một số quy định cụ thể cho các hộ kinh doanh ở đây để vừa có thể giữ gìn nét văn hóa đẹp này lại vừa đảm bảo được quyền lợi của người đi bộ. Tất cả quy định đăng ký kinh doanh vỉa hè có giá biểu quy định rõ ràng. Hoạt động này mang lại cho Paris ngân sách khổng lồ hàng năm.

Ở Mỹ, các địa điểm đông đúc tại các TP lớn, các quán hàng ven đường, xe đẩy rất sầm uất, độc đáo. Với hoạt động này, vừa có thể tạo công ăn việc làm cho nhiều người lại vừa thu hút khách du lịch. Được biết rằng, nguồn thu của các quán ''hàng rong'' này là rất lớn cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh doanh buôn bán tại vỉa hè đều phải có giấy phép và trả phí.

Singapore, một quốc gia gần gũi với Việt Nam không chỉ là khoảng cách địa lý mà còn tương đồng trong văn hóa Á Đông đước đánh giá là TP xanh - sạch - đẹp bậc nhất thế giới, cũng bởi các quy hoạch đường phố ''gọn gàng''. Ngay từ đầu chính phủ đã đánh giá cao sự đóng góp của hàng rong vào nền kinh tế nước. Họ đã chủ trương xây dựng các khu chợ cùng khu vực bán hàng rong riêng biệt. Việc bán hàng rong phải đăng ký với chính quyền và cơ quan quản lý. Những người bán hàng rong phải được tập huấn về các quy định an toàn sức khỏe, an toàn thực phẩm trước khi được phép kinh doanh. Singapore cũng thực hiện chế độ quản lý nghiêm, áp dụng hình phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm luật kinh doanh, lấn chiếm lề đường hoặc không có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Tại Việt Nam, theo các tài liệu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, ngay từ đầu thế kỷ 20, đã có những giai đoạn Hà Nội áp dụng nhiều quy định về quản lý vỉa hè và đảm bảo đường thông, hè thoáng. Từ khi vỉa hè ra đời, cùng với việc cho thuê vỉa hè, chính quyền Pháp đã ban hành nghị định quản lý đô thị, trong đó có việc quản lý vỉa hè đòi hỏi tính tự giác cao của những người dân sống ở khu vực mặt phố.

Để đảm bảo đường phố được thông thoáng, sạch đẹp, chính quyền cũng ban hành những quy định về việc sử dụng vỉa hè để bán hàng. Theo đó việc bán hàng trên vỉa hè sẽ được cấp phép theo từng năm và chỉ được diễn ra trên các phố trong khu buôn bán (khu phố cổ ngày nay).

Cùng với đó, Việt Nam cũng ban hành: Thông tư 04/2008/TT-BXD hướng dẫn quản lý đường đô thị do Bộ Xây dựng ban hành; Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Trên cơ sở quy định tại Nghị định 100/2013/NĐ-CP quy định thì việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông chỉ trong các trường hợp đúng theo như quy định.

Vì vậy, quản lý vỉa hè thế nào để có thể hài hòa được lợi ích của người dân khi vừa đảm bảo sinh kế, vừa đảm bảo không gian cho người đi bộ sẽ giúp chính quyền và người dân tránh lặp lại tình trạng sau mỗi đợt ra quân các chiến dịch,tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn.

Các cơ quan chức năng cũng cần tìm hiểu và đưa ra những giải pháp mới mẻ, phù hợp, hiệu quả từ việc áp dụng một số phương pháp của các quốc gia khác trên thế giới vào Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với văn hóa và lối sống của người Hà Nội. Chỉ khi mọi việc được quy định rõ rằng bằng các văn bản pháp luật, với các chế tài xử lý đủ mạnh cùng với ý thức thượng tôn pháp luật, hi vọng trong thời gian tới, vỉa hè Hà Nội sẽ khoác trên mình diện mạo mới.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm: Việc tổ chức thí điểm các hoạt động kinh doanh trên hè phố để lập lại trật tự kinh doanh buôn bán tự phát, bảo đảm mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường, phát huy giá trị văn hóa của quận và thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời góp phần chỉnh trang không gian đô thị, tạo không gian kiến trúc, cảnh quan phục vụ cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu đi lại của Nhân dân.
Hiệu quả từ lắp barie rào vỉa hè cho người đi bộ
Vỉa hè phố Hồ Đền Lừ bị “bức tử”
Phường Tương Mai, quận Hoàng Mai: Bao giờ hết nạn “xẻ thịt” vỉa hè?
Hà Nội tăng cường xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ sai quy định

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.