Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện

Thủ tướng Chỉnh phủ giao Bộ Y tế cùng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi.
Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (ảnh: Nhật Bắc)

Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Nhiều bất cập, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đã nêu lên những khó khăn trong đấu thầu mua sắm và liên doanh liên kết đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế.

Theo ông Nguyễn Tri Thức, hiện nay các BV đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán đấu thầu mua sắm thuốc. Cụ thể, giá dự toán chỉ tính được khi lập kế hoạch đấu thầu. Nếu theo Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được.

Về thuốc, đối với các loại thuốc hiếm và thuốc nhập theo hạn ngạch, vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn cung. Đối với những loại thuốc này, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh, thành phố.

Đại diện BV Chợ Rẫy cũng chỉ ra những khó khăn về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm…: Các bệnh viện và cơ sở y tế đang gặp rất nhiều khó khăn tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính. Đó là yêu cầu phải đầy đủ 3 đặc tố giá thì mới xây dựng kế hoạch mua sắm được. Vì vậy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Tài chính hướng dẫn lại vì điều này không cần thiết và không khả thi.

Bên cạnh đó, ciệc quy định xác lập giá kế hoạch phải tham khảo trong vòng từ 2 tháng trên Cổng Thông tin, các BV đang gặp khó khăn khi các website công khai kết quả đấu thầu gồm 2 website chính là website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu. Khi các đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu thường không đăng chi tiết các tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung.

Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế. Nhưng nếu không sát thực tế thì các cơ quan chức năng sẽ quy vì sao cùng chủng loại mà BV này mua giá cao mà BV khác mua giá thấp.

Thực tế, BV mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các BV trong xây dựng kế hoạch. Kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế quy định rõ thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng thông tin về giá để xây dựng giá kế hoạch. Hai website này hoạt động chưa trôi chảy nên các cơ sở y tế muốn tham khảo, tra cứu có những lúc phải mở 18 cửa sổ mới có đầy đủ thông tin, gây mất thời gian cho các cơ sở...

Việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư đều xoay quanh giá, các cơ sở y tế đều vướng. Vì vậy, kiến nghị giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa...

Thừa nhận những khó khăn được BV Chợ Rẫy nêu là khó khăn chung của ngành y tế thời gian qua, GS-TS. Lê Quang Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia cho rằng: Trước mắt, ngành y tế cần giải quyết vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị. Đồng thời, cần chú ý tuyên truyền những điểm làm được của ngành.

Tiếp theo là về nhân lực ngành y tế, cần đánh giá năng lực đạt yêu cầu trước khi bổ nhiệm. Cùng đó, y tế cơ sở cần có giải pháp cụ thể mang tính bền vững bởi hiện nay y tế cơ sở vẫn yếu.... Cuối cùng là vấn đề tự chủ BV. Thời gian vừa qua, Nhà nước giao cho BV lo, tự xoay dẫn đến có sai sót. Tự chủ BV là cần thiết nhưng phải có chế tài quy định. Tự chủ không phải khoán đứt cho anh em mà là tận dụng tối đa năng lực của BV, vẫn phải có sự hỗ trợ của Chính phủ.

Đề nghị đánh giá lại cơ chế tự chủ ở BV công

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các BV công. Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các BV không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá…

Thứ hai là đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

Theo Nghị quyết 33, BV K và BV Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ BV. Hai BV này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần?. Đây là 2 BV "xương sống" của BV công, của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế-Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu.

Từ đó, ông Hồ Đức Phớc cho rằng Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ Nhân dân.

Liên quan vấn đề khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, thiết bị y tế, đầu tiên phải sửa Nghị định 98, Thông tư 14 của Bộ Y tế liên quan trang thiết bị và Thông tư 15 của Bộ Y tế liên quan đến thuốc. Đề nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế, địa phương rà soát lại lần nữa, gửi về Bộ Tài chính tiếp thu và đưa vào sửa đổi Thông tư 58.

Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực mà cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua trong thời gian chống dịch Covid-19. Những hy sinh, vất vả, nhọc nhằn của ngành y tế đã góp phần quan trọng để chúng ta kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế xã hội phục hồi và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực...

Ghi nhận và chúc mừng những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm, bất cập cần khắc phục.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong tâm thời gian tới, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình dịch Covid-19; triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển theo chủ trương của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chủ động, sẵn sàng cho mọi tình huống, dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại. Nâng cao nhận thức về yêu cầu tiêm vắc-xin, tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin an toàn, khoa học, hiệu quả.

Quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Thủ tướng giao Bộ Y tế cùng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đầu thầu thuốc, trang thiết bị y tế đảm bảo nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu, ảnh hưởng đến sức khỏe Nhân dân. Các địa phương phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế qua thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý.

Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng báo cáo tại Hội nghị (ảnh: Nhật Bắc)

Báo cáo tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, công tác phòng chống dịch, tiêm vắc-xin trên địa bàn được đẩy nhanh, dịch bệnh như Covid-19 và các loại khác tại đang được kiểm soát tốt. Hà Nội sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất cho công tác phòng chống dịch.

Về một số nhiệm vụ phương hướng thời gian tới, TP Hà Nội chỉ đạo tập trung củng cố nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng-lấy phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu, tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch Covid-19;

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm vật tư, đấu thầu; Phát triển y tế cơ sở, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại trung tâm y tế, phòng khám đa khoa nhằm thu hút người bệnh tại tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên. Đồng thời, nâng cao chất lượng các trạm y tế, tập trung triển khai các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong đó đầu tư y tế cơ sở, trạm y tế, phòng khám đa khoa tại các khu vực, bảo đảm người dân được hưởng tốt nhất các dịch vụ.

Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế, đạt sự hài lòng của người bệnh.

Tiếp tục thực hiện phòng dịch Covid-19 và các dịch bệnh lưu hành trong bối cảnh tình hình mới; duy trì thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn tại các cơ sở.

Bệnh viện thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị: Người bệnh chịu thiệt!
Thiếu vật tư y tế, thuốc điều trị: Bộ Y tế nêu 5 nguyên nhân chính
Đấu thầu thuốc, vật tư y tế: Nếu áp theo giá của 12 tháng gần nhất không ai tham gia
Bộ Y tế đề nghị rà soát, xử lý vướng mắc trong mua thuốc và vật tư y tế
Khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế
Sợ sai, sợ thanh tra, nhiều đơn vị không dám đấu thầu, mua sắm
Lập 4 đoàn kiểm tra việc cung ứng, sử dụng thuốc và vật tư y tế

Vân Hà

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.