Hội Luật gia TP Hà Nội góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Đảm bảo hài hòa lợi ích cho Nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho Nhân dân

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nhằm quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư lần sửa đổi này, Hội Luật gia TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo.
Hội Luật gia TP Hà Nội góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Hội Luật gia TP Hà Nội góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dự thảo Luật cần chi tiết và cụ thể

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Tô Thị Thanh Hương, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thay thế Luật Đất đai năm 2013 có một số điểm mới nổi bật như bỏ khung giá đất, tính giá đất cụ thể cho từng vị trí (Điều 19, Điều 131); Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ (Điều 96); bổ sung các quy định về thời hạn sử dụng đất (Điều 140)...

Việc bổ sung, thay đổi, sửa đổi một số điều của Dự luật đã phần nào tháo gỡ được một số điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trong 8 năm qua. Việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này, tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường, đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế giá đất.

Nhà nước xác định giá đất sẽ đảm bảo khả năng tiếp cận đất đai cho DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong công tác bồi thường, GPMB khi thu hồi đất và làm tăng thu thuế, phí và lệ phí từ đất cho Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều quy định cần chi tiết ở Dự thảo vì trong 237 Điều của Luật có hơn 70 Điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, đề nghị Dự thảo Luật càng chi tiết cụ thể để khi có hiệu lực các cơ quan quản lý, DN, tổ chức và người dân có thể thực hiện được ngay.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cũng kiến nghị bổ sung điều luật: Đánh thuế lũy tiến với bất động sản được sở hữu nhằm khắc phục tình trạng đầu cơ đất như hiện nay, để người có nhu cầu thật sự có điều kiện có nhà để ở.

Cần nghiên cứu kỹ về các phương pháp xác định giá đất

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức cho biết: “Sở dĩ hiện nay còn có những ách tắc bởi những quy định, nhất là giá đất chưa phù hợp với giá thị trường. Người dân và nhà đầu tư đều rất kỳ vọng những tồn tại, hạn chế và bất cập trong Luật Đất đai 2013 sẽ được các cơ quan chức năng và Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi.

Đề nghị phải bỏ khung giá đất, giá đất cần phải được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc, phương pháp theo giá thị trường chứ không thể dựa vào khung giá đất. Bảng giá đất phải được cập nhật thường xuyên, phù hợp với tình hình thị trường. Khi cấp có thẩm quyền là chính quyền cho phép DN được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp thì giá đất tăng lên gấp nhiều lần. Giá trị tăng đó cần phải quay trở lại bồi hoàn cho người dân bị thu hồi đất và đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội.

“Vấn đề mấu chốt khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Luật Đất đai 2013 là vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, việc chậm tiến độ tại 03 khâu này dẫn đến dự án sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, người dân và DN. Phải quan tâm đến quyền lợi của người dân, đảm bảo đời sống và sinh kế của người dân nhất là người nông dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng “chỉ được thu hồi đất sau khi đã hoàn thành tái định cư”, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ cho biết.

Hiện nay, thực tiễn nhiều DN, nhà đầu tư đang phát triển mạnh là do dựa vào nguồn lực đất đai, được hưởng lợi từ các chính sách của Nhà nước, trong khi người dân được hưởng lợi ít, thậm chí không được hưởng lợi, nhất là người nông dân gắn với đất một cách thỏa đáng, nhất là giá đền bù đất luôn được quy định thấp hơn giá thị trường.

Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai cần phải ban hành cụ thể cho hoạt động đền bù giải phóng mặt bằng theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư với việc xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra, dân thụ hưởng và không ai bị bỏ lại phía sau, khi đó sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai.

“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khung giá đất, xây dựng bảng giá đất hàng năm, nhưng vấn đề cốt lõi là làm sao xác định được chính xác giá đất phổ biến trên thị trường bằng cách nào? Trong khi giá đất thường xuyên biến động. Vì vậy, cần nghiên cứu kỹ về các phương pháp xác định giá đất. Thành lập cơ quan chuyên trách chuyên môn tư vấn xác định giá đất phải độc lập; Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh phải là Hội đồng độc lập với UBND cấp tỉnh, tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi mà cần phải được quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi)”, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ Lê Trung Đức nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Hội Luật gia TP Hà Nội triển khai thực hiện đồng đều, hiệu quả các mặt công tác
Quan tâm công tác tư vấn pháp luật miễn phí cho gia đình chính sách, người nghèo, trẻ em
Tăng cường công tác tuyên truyền PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho người dân
Kiện toàn Ban chấp hành Chi hội Luật gia báo Kinh tế & Đô thị

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.