Chế tài nào dành cho tội phạm mua bán người?

Theo CQCA, thủ đoạn của Thư là chiêu dụ, lôi kéo, đưa người sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” để lấy tiền và đòi tiền chuộc nếu nạn nhân muốn về nước. Hình phạt dành cho loại tội phạm này rất nghiêm khắc.
Đối tượng Lê Anh Thư lúc bị bắt
Đối tượng Lê Anh Thư lúc bị bắt

Viện KSND tỉnh Tiền Giang vừa phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam Lê Anh Thư (SN 1999, ngụ xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) về tội "Mua bán người".

Theo điều tra ban đầu, tháng 2/2022, Nguyễn Mạnh Tuấn (SN 2002, ngụ xã Bình Xuân, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) được Thư rủ rê sang Campuchia làm lập trình game với mức lương 1.000 USD/tháng và được bao ăn ở.

Do có quan hệ bà con (Thư là em cô cậu ruột với cha Tuấn) nên Tuấn tin lời Thư, đồng ý đi làm và được Thư đưa sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh.

Khi sang Campuchia, Thư giao Tuấn cho bạn trai (người Trung Quốc) đang làm việc trong một casino ở Campuchia. Lúc này, Tuấn thấy công việc không đúng như lời Thư nói, mà phải lôi kéo người khác tham gia đánh bạc qua mạng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản mang tính chất phạm pháp.

Tuấn nói với Thư không làm nữa và muốn về Việt Nam. Lúc này, Thư viện nhiều lý do kéo dài thời gian lao động của Tuấn tại Campuchia và đe dọa không cho về Việt Nam nữa. Nếu muốn về, Tuấn phải đưa cho Thư 10.000 USD tiền chuộc thân.

Ngày 22/6, Tuấn gọi điện cho gia đình nhờ đem 3.000 USD lên nhà Thư để đóng tiền chuộc Tuấn về, đồng thời phải ký giấy nợ cho Thư với số tiền 7.000 USD và kiếm 4 - 5 người khác sang Campuchia thay thế thì Tuấn mới được cho về Việt Nam.

Đến ngày 27/6, bà ngoại Tuấn trực tiếp lên nhà Thư giao 3.000 USD (tương đương hơn 71 triệu đồng). Ngày 4/7, cha Tuấn tiếp tục chuyển khoản cho Thư trên 24 triệu đồng. Đến ngày 5/7, Tuấn được Thư cho về Việt Nam.

Sau đó Thư nhiều lần gọi điện cho cha Tuấn yêu cầu phải đưa thêm 6.000 USD, riêng ngày 1-8 phải đưa 1.000 USD và tìm 2 người khác để Thư đưa sang Campuchia. Nếu không tìm được 2 người thay thế, gia đình Tuấn phải đưa thêm 2.000 USD.

Ngày 1/8, gia đình Tuấn đến nhà giao Thư 49 triệu đồng tiền chuộc, lúc Thư đang nhận tiền thì bị CQCA bắt quả tang cùng tang vật.

Tại CQCA, Thư khai nhận đã đưa được 2 người sang Campuchia là Tuấn và 1 người tên Diễm. Với trường hợp của Tuấn, Thư được bạn trai cho 5.000 USD, còn với người tên Diễm thì chưa nhận được tiền do bạn trai Thư đang về Trung Quốc. Ngoài ra, Thư còn khai đã dụ dỗ được vài người chuẩn bị đưa sang Campuchia thì bị bắt.

Theo CQCA, thủ đoạn của Thư là chiêu dụ, lôi kéo, đưa người sang Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" để lấy tiền và đòi tiền chuộc nếu nạn nhân muốn về nước.

Trao đổi về vụ án này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Lan uật sư TP Hà Nội cho biết, mua bán người là hành vi đe doạ dùng vũ lực, lừa gạt hoặc bằng thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi cụ thể gồm chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; tuyển mộ, vận chuyển, chứng chấp người khác để thực hiện những hành vi cụ ở trên. Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm của con người.

Theo luật sư Thái, mua bán người là tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp trong đó người thực hiện hành vi phạm tội xâm phạm đến các quyền cơ bản của nạn nhân như quyền tự do, quyền con người,… coi con người như một món hàng để thực hiện việc trao đổi, mua bán với mục đích là kiếm lợi nhuận.

Tội “Mua bán người” được quy định tại Điều 150 BLHS năm 2015. Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ và hành vi, người phạm tội phải chịu một trong các khung hình phạt sau:

Khung hình phạt thứ nhất là bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Điều kiện cấu thành tội phạm là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác…

Khung hình phạt thứ hai là bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; vì động cơ đê hèn; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%...

Khung hình phạt thứ ba là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân chết hoặc tự sát…

“Đây là một trong những tội danh mức phạt rất nặng. Sau khi bị khởi tố, người bị chứng minh là có tội có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên”, luật sư Thái cho biết.

Lập nhóm trên mạng xã hội để môi giới bán thận
Giải cứu 2 thiếu nữ bị lừa bán vào quán karaoke, ép tiếp khách
Ông bố chuyển tiền mong chuộc con nhưng... bặt vô âm tín
Triệt phá đường dây chuyên lừa gạt, mua bán các thanh thiếu niên
Công an Hải Phòng cảnh báo chiêu trò của bọn buôn người

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.