Hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh

Hầu hết các hòa giải viên đều cho rằng khi mâu thuẫn mới phát sinh cũng là thời điểm chúng cần được xoa dịu, hòa giải, bởi khi để mâu thuẫn ngày càng lớn hơn, lên đến đỉnh điểm thì rất dễ khiến người trong cuộc đi đến những hành động tiêu cực, thậm chí là phạm tội.
Hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh
Ông Nguyễn Phúc Khách (đứng) là một trong những hòa giải viên giỏi của huyện Ứng Hòa

Chia sẻ về bí quyết hòa giải thành công, ông Nguyễn Phúc Khách (sinh năm 1958) - Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Dư Xá (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết ông luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con trong thôn, giải tỏa ngay những mâu thuẫn khi mới phát sinh. Với những vụ việc trong khả năng của mình, ông phân tích, giải thích vấn đề rồi khuyên nhủ những người trong cuộc nên bình tĩnh cùng nhau giải quyết trên tinh thần xây dựng, ứng xử văn hoá.

Theo ông Khách, điều khó nhất trong quá trình hòa giải là xóa tan mâu thuẫn để đem lại niềm vui, thuận hòa cho các bên. Chính vì mong muốn tình làng nghĩa xóm đoàn kết nên ông luôn cố gắng dùng mọi cách “dìm” những bức xúc xuống thấp nhất có thể. Hiểu rằng sự chân thành sẽ xoa dịu được những căng thẳng nên khi hòa giải, ông thuyết phục các bên bằng lý lẽ, tình cảm, giúp mâu thuẫn được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật.

“Với những vụ tranh chấp về đất đai, dân sự, người trong cuộc thường căng thẳng, nóng nảy, ai cũng muốn mình thắng nên không nhường nhịn ai. Tuy nhiên sau khi nhận đơn yêu cầu, tổ hòa giải của chúng tôi đã họp lại đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Sau đó tiến hành hòa giải nên cũng có nhiều thuận lợi, kết quả là tỷ lệ hòa giải thành công rất cao. Trong quá trình hòa giải tùy vào vụ việc cụ thể, tôi vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, quy ước, hương ước của làng, không trái với pháp luật Nhà nước.

Tôi luôn hướng đến cách hòa giải có lý, có tình theo phương châm “thấu tình đúng lý” nên với những kiến thức về pháp luật, cộng với sự phân tích, thuyết phục, giải thích nhẹ nhàng, tình cảm, tôi đã giúp nhiều người xóa tan mâu thuẫn, đi đến thỏa thuận cùng hài hòa, thống nhất, vui vẻ”, ông Khách chia sẻ.

Đối với những vụ việc hòa giải khó khăn, ông Khách không từ bỏ mà cố gắng thuyết phục bằng phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, thậm chí đến cơ quan chức năng nhờ tư vấn rõ những vấn đề khúc mắc đó nên giải quyết như thế nào, từ đó sẽ áp dụng vào công tác hòa giải.

Bên cạnh đó, ông Khách không ngừng tìm tòi, trang bị những kiến thức để nâng cao hiểu biết, tích cực học hỏi các cách hòa giải hay của các tấm gương hòa giải khác. Nhờ đó, ông luôn chủ động trong các tình huống và đưa ra cách giải quyết thấu đáo.

Hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh
Bà Nguyễn Thị Loan - Tổ trưởng tổ dân phố số 6 (phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội) là hòa giải viên có 20 năm kinh nghiệm

Với 20 năm đảm nhận cương vị Tổ trưởng tổ dân phố số 6 (phường Giang Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội), bà Nguyễn Thị Loan (SN 1963) rút ra nhiều bí quyết trong công tác hòa giải những vụ mâu thuẫn của địa phương. Một trong những bí quyết hòa giải hiệu quả nhất của bà là phải hòa giải mâu thuẫn ngay từ khi chúng mới xuất hiện, giúp những người trong cuộc hiểu ra vấn đề, sớm xóa bỏ mâu thuẫn.

Bà Loan kể lại, vụ hai nhà hàng xóm trong tổ 6 chỉ vì thùng rác đặt sang bên nhà nhau mà xảy ra mâu thuẫn, thậm chí đe dọa và dùng những từ nặng nề để chỉ trích nhau. Khi biết sự việc này, bà Loan cùng tổ hòa giải đã có mặt kịp thời tìm hiểu sự việc, phân tích, giải thích cho hai nhà. Sau đó, họ đã đồng ý bỏ qua cho nhau, cùng ký cam kết không cãi vã, làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.

Hay như vụ người anh tranh giành đất với em trai, thậm chí dùng những lời lẽ không hay để mắng mỏ, đe dọa em mình, bà Loan đã kịp thời đến sớm tìm hiểu sự việc.

“Tôi ngồi với người anh, phân tích cặn kẽ cho người anh hiểu là nếu anh phá tài sản của em trai thì anh sẽ vi phạm pháp luật và bị xử lý, như thế người khổ đầu tiên chính là anh, sau đó là người thân gia đình anh, anh em cũng khó nhìn mặt nhau và còn ảnh hưởng đến người dân xung quanh. Vì vậy, nếu có bức xúc gì cần giải quyết, anh có thể làm đơn gửi đến cơ quan chức năng. Giải thích một lúc thì người anh hiểu ra và hứa không gây chuyện nữa”, bà Loan chia sẻ.

Về hôn nhân gia đình, bà Loan kể có vụ cặp vợ chồng suýt chia tay nhau vì người vợ nghi cho chồng có người khác dẫn đến hai vợ chồng xô xát nhau. Khi đến hòa giải, người vợ bức xúc “nước mắt ngắn nước mắt dài” kể sự tình, còn người chồng thì chỉ biết ôm đầu: “Chắc bọn em không ở được với nhau mất. Vợ em cứ vu cho em lăng nhăng”.

Bà Loan nghe hết tâm tư của từng người, sau đó phân tích cho hai vợ chồng những được và mất khi ly hôn. Bà cũng khuyên bảo hai người nên lắng nghe, tin tưởng và quan tâm nhau để tình cảm vợ chồng lại gắn bó như xưa. Đặc biệt là hai người hãy nhìn vào các con đều xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi để cùng nhau thay đổi, chăm lo gia đình.

Theo bà Loan, để hòa giải thành công những sự việc mâu thuẫn của người dân, cán bộ hòa giải phải là người kiên trì, hiểu biết, lắng nghe tâm tư, tình cảm của người dân, từ đó sẽ có những phân tích, giải thích cho người dân hiểu.

“Khi đang bức xúc, mâu thuẫn với nhau thì người dân thường thể hiện sự nóng nảy, có những lời lẽ, hành động không hay với nhau, thậm chí là với cả những hòa giải viên. Khi ấy, cán bộ hòa giải lại phải ứng xử bằng sự điềm đạm, chân thành để người trong cuộc thấy họ đang được thấu hiểu, lắng nghe", bà Loan chia sẻ.

Chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho hoà giải viên để nâng cao chất lượng hoạt động
Hòa giải viên “mát tay”, giữ niềm vui cuộc sống
Phát huy vai trò của hòa giải viên trong việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.