Nhân rộng mô hình khu dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy

Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại quận Ba Đình (Hà Nội) được đẩy mạnh tuyên truyền tới từng cơ sở. Nhiều mô hình ra đời như “Khu dân cư an toàn phòng cháy và chữa cháy”, mô hình mở lối thoát nạn thứ 2 tại “chuồng cọp”; mô hình “Khu liên gia an toàn PCCC”…
Nhân rộng mô hình khu dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy
Nhân rộng mô hình khu dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy

Ngay từ khi triển khai, người dân được hướng dẫn, tập huấn những kỹ năng cơ bản về PCCC, cứu nạn, cứu hộ và được trang bị một số phương tiện chữa cháy như bình bọt, bình khí CO2, mặt nạ phòng độc… nhằm bảo đảm xử lý nhanh, hiệu quả các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu. Nhờ phát huy tính chủ động, linh hoạt, kết quả 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn quận Ba Đình xảy ra 10 vụ cháy và 20 sự số chập cháy, giảm số vụ cháy so với mọi năm.

Cùng với quận Ba Đình, huyện Thanh Trì cũng là một điểm sáng trong việc xây dựng “Khu dân cư an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ”. Triển khai tại 5 khu dân cư với phương châm “4 tại chỗ”, phát huy tích cực vai trò của toàn dân tham gia PCCC.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác PCCC&CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn mở “lối thoát nạn thứ 2”.

Mặc dù các mô hình PCCC triển khai sâu rộng đến từng cơ sở, tuy nhiên, việc tuyên truyền cho người dân xóa “chuồng cọp” không thể chỉ trông chờ vào ý thức, sự tự giác của người dân mà cần có phương án “cầm tay chỉ việc”.

Ngoài việc việc tuyên truyền, lực lượng chức năng cần phải tổ chức hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2 tại ngôi nhà của mình như cắt lồng sắt (chuẩn bị sẵn thang dây để thoát nạn khi xảy ra cháy), hướng dẫn dùng thiết bị điện, sử dụng gas an toàn… Tổ chức triển khai việc “đi từng gõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để kiểm tra chặt chẽ mở “lối thoát nạn thứ 2”, đặc biệt là các hộ gia đình trong ngõ sâu, xe chữa cháy khó đi vào, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Phối hợp với cán bộ phụ trách phường, Tổ trưởng Tổ dân phố vận động, hỗ trợ trang bị phương tiện chữa cháy như bình bọt, bình khí CO2, mặt nạ phòng độc, thang dây,…

Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, thí điểm mô hình PCCC, vận động người dân tham gia đầy đủ. Thực tế, các buổi tập huấn, lực lượng tham gia chủ yếu là người già, không đúng đối tượng triển khai. Khi xảy ra vụ cháy, rất nhiều người dân còn thiếu kỹ năng thoát kiểm cần thiết và sử dụng bình cứu hỏa.

Song song với đẩy mạnh mô hình khu dân cư an toàn PCCC thì công tác chỉ đạo sát với tình hình thực tế, nâng cao công tác phối hợp, vai trò của chính quyền địa phương với lực lượng chuyên môn nhằm tăng tính hiệu quả trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền về PCCC.

Giặc lửa gây hậu quả kinh hoàng nhưng nguyên nhân các vụ cháy xuất phát từ những điều đơn giản. Chỉ khi ý thức của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình và mỗi khu dân cư chấp hành tốt quy định về PCCC và sự vào cuộc đồng bộ của lãnh đạo, cơ quan, đơn vị cơ sở thì cuộc chiến chống “giặc lửa” mới giảm thiểu tổn thất nặng nề.

Hà Nội: Giảm 72 vụ cháy trong 6 tháng đầu năm 2022
Thực hiện đợt cao điểm kiểm tra an toàn phòng cháy tại các chợ, trung tâm thương mại
Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh

Trí Đức

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.