Trước thông tin không phân loại chất thải rắn sẽ bị xử phạt hành chính:

Hà Nội đầy mạnh tuyên truyền sẵn sàng cho lộ trình

Việc chôn lấp rác tại các địa phương ở nước ta đang triển khai đã quá lạc hậu, nên sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 ra đời cùng Nghị định 45, có hiệu lực thi hành nhưng chưa xử phạt, nhằm tập trung hướng dẫn để người dân hiểu rõ nguồn lợi của rác như tài nguyên. Chính quyền Hà Nội đã tăng cường truyền thông, phổ cập kiến thức phân loại rác cho người dân.
Hà Nội đã tăng cường truyền thông, phổ cập kiến thức phân loại rác cho người dân hiểu rõ nguồn lợi của rác như nguồn tài nguyên
Hà Nội đã tăng cường truyền thông, phổ cập kiến thức phân loại rác cho người dân hiểu rõ nguồn lợi của rác như nguồn tài nguyên

Tận dụng "lộ trình" định hướng, tuyên truyền cho người dân

Ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký, ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường - thay thế Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.

Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/8/2022.

Từ thông tin trên, nhiều người dân, lo ngại sẽ bị phạt nặng về hành vi không phân loại rác từ thời điểm trên. Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, đây là thời điểm Nghị định có hiệu lực chứ không phải thời điểm áp dụng chế tài xử phạt.

Liên quan đến thông tin này, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định “đó là cách hiểu chưa đúng”. Bởi, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, việc xử phạt là cần thiết nhưng phải có lộ trình và đúng thời điểm. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là việc làm cần thiết và bắt buộc với mọi cá nhân, hộ gia đình. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024. Theo đó, đến ngày 1/1/2025, nếu người dân không thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Dù chưa xử phạt nhưng theo các chuyên gia, Nghị định 45 của Chính phủ - có hiệu lực từ ngày 25/8/2022 là cơ hội tốt để người dân tập làm quen với việc phân loại rác hằng ngày.

Trước thực trạng rất nhiều người dân chưa biết phân biệt đâu là rác hữu cơ, vô cơ, tái chế. Vì vậy, rất cần phải có định hướng "dài hơi", tuyên truyền cho người dân biết cách phân loại.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT cho rằng, từ nay đến thời điểm xử phạt cần phải tính toán tuyên truyền mạnh để người dân xem phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội.

Theo GS Đặng Hùng Võ, muốn phân loại rác tại các hộ gia đình thành công thì cần đầu tư từ khâu thu gom, tập kết, vận chuyển đến các nhà máy xử lý rác. Để rác thải trở thành tài nguyên thì phải có một hệ thống thu gom, tái chế, xử lý hiện đại.

Làm thế nào để phân loại chất thải rắn sinh hoạt?

Về cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt, đại diện Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường) lưu ý chất thải rắn sinh hoạt được phân loại dựa trên các yêu cầu xử lý và theo 3 nhóm gồm: Chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác.

Theo điều 75 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì để chuyển giao như sau: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.

Tùy theo từng khu vực, tính chất và nguồn phát sinh rác thải, trình độ dân trí, điều kiện đầu tư trang thiết bị, quy mô công nghệ xử lý chất thải sau phân loại… có thể lựa chọn những phương thức phân chia theo nhóm chất thải khác nhau cho phù hợp với từng khu vực thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Bên cạnh đó, các địa phương có thể tổ chức phân chia thêm thành các nhóm chất thải như: Chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải thuộc nhóm sản phẩm, bao bì tái chế theo trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu.

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, một trong những nội dung mới, đáng chú ý nhất của Luật Bảo vệ môi trường 2020 là quy định thu phí rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng, thể tích của chất thải các hộ gia đình thải bỏ - tức là xả rác càng nhiều thì trả càng nhiều tiền.

Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).

Bà Trần Thị Thu Hằng, chị hội trưởng hội Phụ nữ, tổ 9, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cho biết, bà rất ủng hộ xử phạt các hộ gia đình nếu không phân loại rác nhưng cần có hướng dẫn cụ thể để người dân nắm bắt. Đồng thời bà cũng đã nhận được chỉ đạo và đang phối hợp với các hội viên khác nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, đặc biệt là chị emphuj nữ tại khu dân cư mình sinh sống biết cách phân loại rác.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân.

Ước tính chỉ có 2% rác thải nhựa được tái chế tại Hà Nội
Từ 25/8, không phân loại rác sinh hoạt sẽ bị phạt nặng
Đẩy mạnh tuyên truyền phân loại chất thải rắn từ các tổ dân phố

Dương Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.