Tập trung nguồn lực cho đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công luôn được TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng năm. Trong năm 2022, mục tiêu là giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công, tạo đà bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung nguồn lực cho đầu tư công
Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương đang bước vào giai đoạn xây dựng cuối cùng, dự kiến sẽ "về đích" vào giữa tháng 10/2022

Với nhiều vướng mắc do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 toàn TP Hà Nội mới giải ngân đạt 20% kế hoạch, vẫn thấp hơn so với yêu cầu.

Nguyên nhân đến từ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với dự án bồi thường. Nguyên nhân nữa là trong quá trình triển khai thực hiện dự án, một số dự án phát sinh hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ; phê duyệt, điều chỉnh giá đất bồi thường GPMB; việc bán nhà, quỹ nhà tái định cư; phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định phê duyệt dự án lĩnh vực giao thông; sự phối hợp giữa các Ban quản lý dự án chuyên ngành của TP với các quận, huyện, thị xã trong công tác GPMB các dự án cấp TP.

Đặc biệt, năm 2022 là năm vẫn chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19, nhất là trong quý I. Cùng với đó là các yếu tố biến động từ bên ngoài tác động đến nền kinh tế dẫn đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao; máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công bị ảnh hưởng. Vì thế, có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng.

Đối với các dự án ODA, do nguyên nhân tồn tại từ các năm trước nên các dự án đều phải làm thủ tục điều chỉnh tiến độ, gia hạn Hiệp định vay.

Để thúc đẩy thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và thúc đẩy tỷ lệ giải ngân năm 2022, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung thực hiện và giải ngân vốn trên cơ sở danh mục và mức vốn được giao, tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách Nhà nước cũng như các quy định khác liên quan; tuyệt đối không để phát sinh nợ xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp cần đánh giá, rút kinh nghiệm nghiêm túc; có giải pháp khắc phục dứt điểm, báo cáo UBND TP khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án trọng điểm, dự án cấp bách, bức xúc dân sinh cần đẩy nhanh tiến độ để tập trung chỉ đạo; đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, có tính chất liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội lớn trên địa bàn. Nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng đề xuất chủ trương đầu tư dàn trải, dự kiến tổng mức đầu tư thiếu chính xác. Tập trung triển khai công tác giải phóng mặt bằng và chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện, theo dõi, kiểm tra, giám sát kế hoạch…

Đối với các dự án không có khả năng thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, chủ đầu tư là người đầu tiên chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng nguồn vốn, do vậy, từng chủ đầu tư cần phải rà soát kỹ và đề xuất với TP. Đồng thời, cùng phải rà soát đồng bộ các dự án chuyển tiếp và các dự án mới để xác định tính cấp thiết, thứ tự ưu tiên để đề xuất bố trí vốn thực hiện trong kế hoạch trung hạn và hàng năm cho hợp lý.

Hà Nội: Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công 364 dự án
Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 28 dự án đầu tư công
Thủ tướng thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Cá thể hoá trách nhiệm nếu giải ngân vốn đầu tư công thấp do lỗi chủ quan
Hà Nội phấn đấu giải ngân tối thiểu đạt 90%

Quân Đào

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.