Cụ ông 82 tuổi truyền cảm hứng học tập cho giới trẻ

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, có một thí sinh đặc biệt, là cụ ông Nguyễn Huy Kỳ, sinh năm 1940, ở Hà Nội. Với ước mơ được học ngành Y, cụ đã quyết tâm đi học và dự thi kỳ thi này năm nay.
Ông Nguyễn Huy Kỳ chính là tấm gương sáng về tinh thần say mê học tập. Ảnh: Duy Khánh
Ông Nguyễn Huy Kỳ chính là tấm gương sáng về tinh thần say mê học tập. Ảnh: Duy Khánh

Ông Nguyễn Huy Kỳ là thí sinh cao tuổi nhất của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ông chia sẻ bản thân trước kia từng có thời gian đi làm công nhân. Hồi đó, ông vừa đi làm ban ngày, vừa đi học tối tại một trường học tại Phú Thọ. Năm 1968, khi chuẩn bị hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông 10/10 thì ông lên đường đi bộ đội, rồi cùng một số nguyên nhân khách quan khiến công chưa tốt nghiệp cấp 3. “Trước đây do đi bộ đội, cùng nhiều lý do khách quan, tôi mới chỉ học hết cấp 2, chưa tốt nghiệp cấp 3”, ông Kỳ cho biết.

Cuộc sống mưu sinh, nuôi các con ăn học đã khiến ông Kỳ không có cơ hội tiếp tục đến trường. Dù vậy, ông vẫn rất ham học hỏi kiến thức từ những cuốn sách, trang báo. Ông bảo đọc sách, báo giúp bản thân biết được nhiều thông tin, nâng cao trình độ hiểu biết. Kiến thức cứ thế được ông gom nhặt, ngày một nhiều thêm.

Khi cuộc sống của gia đình ổn định, con cháu đề huề, ông Kỳ quyết tâm thực hiện ước mơ đến trường, tốt nghiệp THPT và theo học ngành Y. Ông trích lương của bản thân để theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân (Hà Nội). Mỗi ngày, ông đều thức dậy từ sớm, cùng với vợ chuẩn bị đồ ăn trước khi đi học. Ông luôn chăm chú nghe giảng, hoàn thành bài tập thầy, cô giao ngay sau buổi học, những vấn đề nào chưa hiểu, ông đánh dấu dể hôm sau hỏi lại thầy cô, các bạn trong lớp.

Ông chia sẻ mình già cả nên tiếp thu bài chậm hơn các cháu trong lớp. Vì thế ông phải nỗ lực gấp nhiều lần. Dù con đường học tập có nhiều chông gai, thử thách nhưng ông tự dặn lòng mình không bao giờ được bỏ cuộc, phải cố gắng hết mình hoàn thành mục tiêu học tập đã đặt ra. Ông Kỳ kể lại, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải học online, ông cũng sắm chiếc điện thoại thông minh để học cùng thầy cô và các bạn. Tuy nhiên, ông không thành thạo việc sử dụng điện thoại nên việc học cũng gặp khó khăn. Có buổi học, ông đăng nhập mãi không được nên đã vào lớp muộn. Dù vậy, ông vẫn cố gắng hoàn thành bài tập được giao.

Đáng chú ý, cháu nội của ông là học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Hai ông cháu động viên nhau học hành, thi tốt. Sau mỗi môn thi, hai ông cháu lại gọi điện trao đổi, hỏi han tình hình thi cử, tiếp thêm cho nhau sức mạnh.

Ngày thi, ông Kỳ đến điểm thi bằng xe ba bánh. Ông chống gậy, di chuyển vào phòng thi. Gương mặt hào hứng, lạc quan, nụ cười tươi tắn của ông đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho hội đồng coi thi cũng như các thí sinh thi cùng.

Ông cho biết mình hoàn thành tốt các bài thi Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, còn môn Toán ông không tự tin lắm. Tuy nhiên, ông dự đoán bản thân có khả năng đạt điểm trung bình trở lên. Bà Tô Thị Trà Ly, GĐ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân - nơi ông Kỳ theo học cho biết, sau ngày thi đầu tiên, bà gọi điện hỏi thăm tình hình thi cử của ông Kỳ. Ông bảo làm được bài thi Ngữ văn, còn môn Toán hình thức trắc nghiệm ông làm không được tốt. Bà Ly cũng nhấn mạnh thế mạnh của ông Kỳ là các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

Hiện tại, ông Kỳ đang làm nghề thuốc đông y. Công việc này gắn bó với ông suốt 30 năm nay. Ông mong muốn đỗ tốt nghiệp THPT năm nay để còn có cơ hội học tại trường trung cấp đào tạo y sĩ của Sở Y tế và Hội Đông y Hà Nội. Ước mơ của ông sau này là sẽ theo nghề Y.

Chính ước mơ này đã thôi thúc ông không ngừng học tập, vươn lên. Với ông, sự học chưa bao giờ dừng lại, ở độ tuổi nào cũng cần học tập. Học trong sách vở, trường học, học ở trường đời chứ không phải chỉ gói gọn trong 12 năm ngồi trên ghế nhà trường.

Ông Kỳ cho rằng kiến thức chính là sức mạnh để phát triển bản thân cũng như góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước. Mỗi người góp một phần công sức nhỏ sẽ thành sức mạnh lớn. “Tôi cảm thấy bây giờ được đi học như thế này rất là vinh dự. Tri thức là sức mạnh, còn ngày nào sống ở trên đời này thì cần phải chịu khó học thêm”, ông Kỳ chia sẻ.

Ông Kỳ chính là tấm gương sáng về tinh thần say mê học tập. Ông đã truyền những năng lượng sống và học tập tích cực cho giới trẻ. Học chưa khi nào là muộn, chỉ cần chúng ta chăm chỉ, cầu thị, quyết tâm theo đuổi đam mê thì sẽ có một ngày, chúng ta chạm đến ước mơ của mình, thậm chí làm cho nó bay cao, bay xa hơn.

Nhân rộng các mô hình học tập trong xã hội
Giảm khó khăn về vốn cho học tập đối với học sinh, sinh viên
Lớp phó học tập biển thủ 300 triệu học phí của bạn để chơi tiền ảo
Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021 - 2030
Cần coi thành tích của con là một thông tin riêng tư

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.