Hà Nội lấy ý kiến xây dựng nhà hát Opera bên Hồ Tây

UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) vừa công khai lấy ý kiến về đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An. Trong đó, có một Nhà hát Opera được xây dựng nổi trên hồ Đầm Trị được kỳ vọng trở thành biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô.
Hà Nội lấy ý kiến xây dựng nhà hát Opera bên Hồ Tây
Phối cảnh tổng thể đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An

Công trình nhà hát là điểm nhấn kiến trúc của đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, đang được UBND quận Tây Hồ lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Nguồn vốn đầu tư được TP chủ trương kêu gọi xã hội hoá.

Theo UBND quận Tây Hồ, Quy hoạch này có tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 45.300 m2, thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần diện tích phường Tứ Liên, thuộc ô quy hoạch 16, 17, 19 nằm trong Quy hoạch phân khu đô thị Khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Chức năng sử dụng đất chính trong khu vực nghiên cứu quy hoạch được định hướng bao gồm: Đất công cộng đô thị, đất cây xanh đô thị, đất công viên chuyên đề, đất ở, đất trường học, đất quốc phòng, đất bãi đỗ xe và đất giao thông.

Phó chủ tịch quận Tây Hồ, ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết, nhà hát được xây dựng ở khu vực hồ Đầm Trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mặt nước, cũng không nằm trong diện tích mặt nước Hồ Tây.

Công trình dự kiến do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italy Renzo Piano thiết kế. Chức năng chính của nhà hát là không gian trình diễn nghệ thuật: Dàn giao hưởng, hợp xướng, opera... nơi đây sẽ là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa chính của TP Hà Nội và là điểm nhấn của khu vực hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung.

Để lấy ý kiến cộng đồng, quận đã tổ chức treo pano quy hoạch ở bốn địa điểm trong khu vực bán đảo Quảng An; công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử. Dự kiến trong tuần này, quận tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch, sau đó UBND phường nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch cũng sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân.

Việc triển khai quy hoạch các công trình công cộng, cây xanh, khu công viên chuyên đề (trong đó có xây dựng 1 nhà hát) tại đồ án có vai trò lớn trong việc phát triển kinh tế của địa phương cũng như cảnh quan xung quanh khu vực, tạo bộ mặt đổi thay các khu đất cây xanh bên hồ đã bao năm không được sử dụng hiệu quả; phát triển dịch vụ, du lịch một cách bài bản chuyên nghiệp, tạo ra điểm đến mới cho TP.

Về phương án tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, khu đất được xác định hướng tiếp cận chính từ tuyến đường Đặng Thai Mai nối với đường Âu Cơ.

Bán đảo Hồ Tây được xác định là khu vực trọng tâm là trục không gian lịch sử, văn hóa lớn của Thủ đô: Trục Hồ Tây - Sông Hồng - Cổ Loa; bố trí tập trung các công trình công cộng, dịch vụ đô thị với và quy mô nổi bật so với các khu vực lân cận, tổ chức các quảng trường, không gian mở về phía hồ, kết hợp với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật... của TP và khu vực;

Cải tạo chỉnh trang các khu vực dân cư, làng xóm giữ được đặc trưng truyền thống, bảo tồn các công trình di tích lịch sử văn hóa tôn giáo. Kiểm soát và quản lý xây dựng trong khu vực. Đáng chú ý, dọc theo tuyến đường kè xung quanh Hồ Tây, không xây dựng các công trình lấn chiếm mặt nước.

Đồ án còn có nội dung về kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của TP; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.

Lãnh đạo quận Tây Hồ khẳng định, quy hoạch chi tiết này là phù hợp với quy định quản lý theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt và là một bước cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm văn hóa, du lịch
Hà Nội: Công bố đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống
Hiện thực hóa giấc mơ “Thành phố hai bên dòng sông Hồng”

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.