Vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán trong hòa giải ở cơ sở

Hòa giải viên phải luôn linh động, vận dụng pháp luật và phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán trong hòa giải ở cơ sở
Xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội họp triển khai công tác hòa giải trên địa bàn.

Cần nắm vững pháp luật để hòa giải

Trong quá trình hoà giải, một hoạt động hết sức quan trọng và mang tính quyết định của hoà giải viên là tư vấn pháp luật (giải đáp pháp luật, cung cấp thông tin pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp, đưa ra những lờikhuyên, hướng dẫn các bên xử sự phù hợp với pháp luật...).

Để đưa ra lời tư vấn pháp luật chính xác, việc tra cứu pháp luật, tài liệu tham khảo trong quá trình hoà giải là yêu cầu bắt buộc nhằm khẳng định với các bên tranh chấp rằng hoà giải viên đang thực hiện hoà giải theo pháp luật, trên cơ sở pháp luật chứ không phải theo cảm tính chủ quan.

Ngoài ra, việc nắm vững pháp luật còn giúp hoà giải viên khẳng định những lời tư vấn của mình là đúng pháp luật vì trong thực tiễn, không phải bao giờ hoà giải viên cũng có thể nhớ chính xác là cả các quy định thuộc các lĩnh vực pháp luật khác nhau.

Trên cơ sở nội dung vụ việc, hòa giải viền liệt kê các điều luật liên quan đến nội dung vụ việc, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Các điều luật quy định trực tiếp về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên trong vụ việc; Các điều luật khác có liên quan.

Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong giải quyết vụ việc phải tuân thủ nguyên tắc theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực; văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn..

Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới.

Vận dụng phong tục, tập quán trong hòa giải

Xã hội truyền thống Việt Nam chịu ảnh hưởng của tư tưởng đức trị của Nho giáo, nên người dân Việt Nam (đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn) rất coi trọng giá trị đạo đức. Các quan hệ xã hội bị chi phối mạnh bởi quy tắc đạo đức, phong tục, tập quán truyền thống.

Vì vậy, khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán. Đồng thời các phong tục, tập quán đó phải là những phong tục, tập quán tốt đẹp, không trái nguyên tắc của pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội.

Để phát huy hiệu quả tối đa trong việc vận dụng các phong tục, tập quán giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hòa giải viên cần xác định, liệt kê cụ thể các quy tắc đạo đức, phong tục, tập quán, các quy định trong hương ước, quy ước của thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư có liên quan trực tiếp đến nội dung vụ việc để làm căn cứ phân tích, lập luận, thuyết phục, hướng dẫn các bên tìm giải pháp giải quyết bất đồng, tranh chấp.

Hòa giải viên cần có các kỹ năng lắng nghe và giao tiếp với các bên
Kỹ năng khai thác thông tin, tài liệu chứng cứ về vụ việc với hòa giải viên
Kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột đối với hòa giải viên

Công Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.