Lí do chủ yếu ảnh hưởng đến việc xã, phường không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?

Theo nhận định, các xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phần lớn do cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra. Một số khác thì do không đạt điểm số theo quy định”
Lí do chủ yếu ảnh hưởng đến việc xã, phường không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật?
Đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên cần sự phối hợp đồng bộ nhưng trên thực tế sự sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị trong rà soát, đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt ở cấp xã còn chưa kịp thời, thường xuyên, đồng bộ

Những nguyên nhân chủ yếu

Năm 2021, Thành phố Hà Nội có 557/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,2% tương đương kết quả công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận năm 2020 (Năm 2020, 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37% (cao hơn năm 2019: 546/584: đạt tỷ lệ 93,5 %))

Các xã, phường, thị trấn không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phần lớn do cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra. Một số khác thì do không đạt điểm số theo quy định. Đây là nội dung các quận, huyện cần lưu ý, tập trung khắc phục để việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt kết quả cao hơn. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định 25/2021/QĐ-TTg, một trong nhưng điều kiện để cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Hành vi công vụ trái pháp luật ở đây có thể hiểu là hành vi của người thi hành công vụ hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn không đúng quy định của pháp luật. Chỉ những trường hợp phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra mới thuộc điều kiện xét cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Vi phạm của cán bộ, công chức phải là vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ (mà không phải là mội vi phạm pháp luật). Hình thức xử lý kỷ luật cán bộ, công chức phải từ cảnh cáo trở lên hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra.

Trên thực tế, việc thực hiện tốt các quy định chuẩn tiếp cận pháp luật không chỉ là cơ sở quan trọng để người dân (đặc biệt là người nông dân) nắm bắt, thực hiện quyền tiếp cận pháp luật liên quan đến đời sống của mình; đảm bảo phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân được tham gia bàn bạc và quyết định những vấn đề có quan đến đời sống khu dân cư cũng như được hưởng những chính sách theo quy định. Mà thông qua việc đánh giá từng tiêu chí tiếp cận pháp luật, cán bộ, công chức trong thi hành công vụ nhận rõ được những việc làm được, những việc chưa làm được, tồn tại, hạn chế để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp, biện pháp khắc phục.

Xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một nhiệm vụ mới, khó, phức tạp, đối tượng đánh giá tuy đã thu hẹp là cấp xã nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với triển khai văn bản pháp luật, chính sách thuộc nhiều lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích của người dân. Để có thể đưa pháp luật đi vào cuộc sống một cách toàn diện đòi hỏi phải có thời gian, tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp các ngành cũng như bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thực tiễn.

Các tiêu chí, chỉ tiêu và việc tổ chức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được chuẩn hóa và bảo đảm thực hiện bằng văn bản mang tính pháp lý. Một số đơn vị cấp xã còn khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí nên khó bảo đảm đạt các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan (bố trí đủ kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật; đảm bảo diện tích làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả...).

Công chức cấp xã hiện nay đảm nhiệm khối lượng công việc lớn nên thời gian dành cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan còn ở việc, lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong chỉ đạo, tổ chức đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nên việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chưa thường xuyên, kịp thời, chưa bố trí đủ nguồn lực kinh phí và bố trí cán bộ theo dõi công tác này phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời

Đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nên cần sự phối hợp đồng bộ nhưng trên thực tế sự sự phối hợp, gắn kết giữa các cơ quan, đơn vị trong rà soát, đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt ở cấp xã còn chưa kịp thời, thường xuyên, đồng bộ.

Chưa phát huy tốt vai trò của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện trong tư vấn, tham mưu giúp Chủ tịch UBND cấp quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.

Vì thế, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu là yếu tố quyết định cho thành công của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nói chung. Cùng với đó, cần chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, rút kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những bất cập từ quy định của các văn bản để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bảo đảm thực hiện có hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; phát huy hiệu quả các mô hình, cách làm hiệu quả trong thực tiễn để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; nâng cao tính chủ động của cơ quan Tư pháp các cấp; sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, công chức chuyên môn cấp xã; phát huy vai trò của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật cấp huyện trong tư vấn, tham mưu việc đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Chú trọng gắn kết giữa thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với xây dựng nông thôn mới và các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Đồng thời, nâng cao năng lực cán bộ, bố trí đúng mức kinh phí cho nhiệm vụ đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đổi mới cách thức tập huấn, bồi dưỡng theo hướng tập trung vào kỹ năng xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Lồng ghép, tận dụng nguồn lực của các chương trình, đề án có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Bài 1: Quy định mới tạo điều kiện cho việc thực hiện đồng bộ, thống nhất
Bài 2: Chủ động xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Bài 3: Nhiều quận, huyện có số phường, xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%
Bài cuối: Tác động tích cực từ việc xây dựng phường đạt chuẩn tiếp cận pháp
Thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật phải có sự vào cuộc đồng bộ, toàn diện

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.