Vụ chiếm giữ hơn 400m2 đất của gia đình bị án ở huyện Thạch Thất, Hà Nội

Có dấu hiệu chiếm giữ trái phép tài sản

Mặc dù đã có nhiều đơn thư đề nghị chính quyền địa phương và CQCA can thiệp, yêu cầu ông P.G trả lại đất cho gia đình bị án nhưng ông này chưa phối hợp. Luật sư cho rằng, hành vi không trả lại tài sản đã chiếm giữ trái phép của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Phùng Chí Kiên, em trai ông Giang đang quản lý, sử dụng nhà xưởng được xây dựng trên đất của gia đình bị án
Ông Phùng Chí Kiên, em trai ông P.G đang quản lý, sử dụng nhà xưởng được xây dựng trên đất của gia đình bị án

Thửa đất vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của gia đình bị án

Theo Bản án số 478/2015/HSST của TAND TP Hà Nội, sau khi chồng mất, năm 2011, bà Tạ Thị Hợi đã sử dụng 3 bộ giấy tờ giả (gồm “Biên bản chuyển nhượng giao đất làm nhà ở” và “Đơn xin chuyển nhượng đất ở”) thể hiện quyền sở hữu của ông Phùng Ngọc Thắng, chồng bà Hợi đối với thửa đất có diện tích 506m2 ở thôn Thái Bình, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất để thế chấp vay tiền của 3 bị hại với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Hành vi của bà Hợi đã phải trả giá bằng một bản án nghiêm khắc là 15 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX đánh giá, mặc dù trong tất cả các giấy vay tiền đều thỏa huận tiền lãi, thực tế có trường hợp đã tính lãi, được ghi vào giấy, hai bên ký nhận nhưng người bị hại bị lừa dối, hợp đồng vay tiền bị vô hiệu, bị cáo đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên không có căn cứ để tính tiền lãi theo hợp đồng buộc bị cáo phải trả lại cho người bị hại. Do đó, bị cáo Hợi phải có trách nhiệm trả lại những người bị hại số tiền bị cáo đã vay và sau đó chiếm đoạt.

Bản án số 478/2015/HSST thể hiện, ông P.G đồng ý cho bà Hợi vay tiền với yêu cầu phải chuyển nhượng thửa đất ở xã Bình Yên cho ông này. Sau đó, bà Hợi đã dùng bộ giấy tờ giả để thế chấp và làm thủ tục chuyển nhượng thửa đất trên cho ông P.G. Ông P.G khai, do không có tiền trả nên ngày 1/4/2012, bà Hợi đã làm “Giấy chuyển nhượng nhà đất” và “Hợp đồng mua bán nhà đất” cho ông P.G. Đáng chú ý, “Hợp đồng mua bán nhà đất” chỉ ghi tên người bán là Tạ Thị Hợi, còn để trống tên người mua và không ghi chuyển nhượng với giá bao nhiêu tiền. Bà Hợi và ông P.G thống nhất ghi hợp đồng mua bán nhà lùi lại ngày 9/12/2011 cho phù hợp với ngày đầu tiên ông P.G cho bà Hợi vay tiền.

Trong quá trình điều tra, CQCSĐT đã nhiều lần làm việc với UBND xã Bình Yên và xác định, thửa đất trên vẫn thuộc quyền quản lý và sử dụng của gia đình bà Hợi. Sau khi phát hiện thửa đất ở thôn Thái Bình bị ông P.G chiếm giữ, tháng 11/2020, chị Phùng Thị Thùy H, con gái bà Hợi đã gửi đơn tới UBND xã Bình Yên. Ngày 30/12/2020, UBND xã Bình Yên đã tổ chức buổi làm việc nhưng ông P.G vắng mặt. Tại buổi làm việc, UBND xã Bình Yên khẳng định, thửa đất có diện tích 506m2 tại thôn Thái Bình vẫn mang tên ông Phùng Ngọc Thắng và chưa được cấp GCNQSDĐ. Còn chị H cũng đề nghị ông P.G tháo dỡ nhà xưởng, trả lại thửa đất mà ông này đang chiếm giữ trái phép cho gia đình chị.

Trao đổi với PV PL&XH, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên tiếp tục khẳng định, hiện tại thửa đất diện tích 506m2 ở thôn Thái Bình vẫn thuộc quyền quản lý và sử dụng của gia đình bà Hợi. Thửa đất này là di sản thừa kế của ông Thắng để lại cho vợ và các con. Ông Tiến cũng cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của chị H, UBND xã đã nhiều lần gửi giấy mời ông P.G lên làm việc nhưng ông này chưa phối hợp. Trên thửa đất của gia đình bà Hợi có nhà xưởng do ông P.G xây dựng năm 2016 và ông Phùng Chí Kiên, em trai ông P.G đang sử dụng làm xưởng mộc.

“Trước khi xây dựng nhà xưởng trên đất của gia đình ông Thắng, năm 2016, ông P.G đã gặp trưởng thôn Thái Bình nói là đã mua lại thửa đất của bà Hợi, đồng thời xuất trình bộ giấy tờ mua bán giữa hai bên. Tin tưởng việc mua bán này là thật nên khi ông P.G xây dựng nhà xưởng, UBND xã đã không lập hồ sơ về trật tự xây dựng. Do chưa mời được ông P.G lên làm việc nên chưa đủ cơ sở khẳng định việc ông P.G xây dựng trên đất của gia đình bà Hợi có trái phép hay không. Chúng tôi cũng đã cung cấp toàn bộ thông tin cho CA huyện Thạch Thất để phục vụ công tác điều tra”, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Yên cho biết.

Có dấu hiệu chiếm giữ trái phép tài sản
CA huyện Thạch Thất ban hành Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm vì chưa tìm được người bị tố giác
Có dấu hiệu vi phạm luật

Sau một thời gian dài chờ đợi UBND xã Bình Yên giải quyết nhưng không có kết quả, nhận thấy hành vi của ông P.G có dấu hiệu chiếm giữ trái phép tài sản nên đầu năm 2022, chị H đã gửi đơn tố giác tội phạm tới CA huyện Thạch Thất. Ngày 20/3/2022, Thượng tá Nguyễn Ngọc Lân, Phó thủ trưởng CQCSĐT CA huyện Thạch Thất đã ký thông báo số 60/TB-KQGQ về việc gia hạn thời hạn xác minh, giải quyết tố giác tội phạm. Theo đó, quá trình kiểm tra xác minh, xác định vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, chưa làm việc được với những người có liên quan để làm rõ một số tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ việc. Vì vậy, cần có thêm thời gian để thu thập các tài liệu liên quan đến tố giác tội phạm trên.

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” quy định tại Điều 176, BLHS năm 2015 được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết tài sản đó không thuộc quyền sở hữu, quản lý của mình, biết mình có nghĩa vụ phải trả lại cho chủ tài sản nhưng vì muốn biến tài sản đó thành tài sản của mình nên cố tình không trả lại cho chủ sở hữu. Tài sản bị chiếm giữ trái phép là quyền sử dụng thửa đất của gia đình chị H có giá trị nhiều tỷ đồng. Trong khi đó, Điều 176, BLHS quy định, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản trị giá từ 10 triệu đồng trở lên đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên tới 5 năm tù.

“Tòa án đã xác định, giấy tờ bà Hợi thế chấp cho ông P.G là giả, hợp đồng mua bán là giả cách nhằm che đậy việc cho vay lãi nên bà Hợi đã bị tuyên phạt 15 năm tù và phải có nghĩa vụ trả tiền cho ông P.G. Ông P.G là bị hại, trực tiếp tham gia trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Chính vì vậy, ông P.G hoàn toàn biết thửa đất này thuộc quyền quản lý, sử dụng của ai. Song, lợi dụng lúc gia đình chị H rơi vào cảnh khốn cùng khi bố mất, mẹ đi tù, anh em ly tán, ông P.G đã dùng bộ giấy tờ giả để chiếm dụng thửa đất, xây dựng nhà xưởng, từ đó biến thành tài sản của mình. Chị H và luật sư đã nhiều lần yêu cầu ông P.G trả lại tài sản nhưng ông này không trả. Hành vi chiếm giữ trái phép thửa đất của gia đình chị H có dấu hiệu tội phạm”, luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.

Sau 2 tháng gia hạn, ngày 20/5/2022, Thượng tá Nguyễn Ngọc Lân đã ký Quyết định số 64/QĐ-TĐC tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm với lý do, sau khi tiến hành giải quyết tố giác về tội phạm của chị H thấy ông P.G là người bị tố giác nhưng chưa xác định được hiện đang ở đâu để cung cấp các thông tin, tài liệu nhằm làm rõ bản chất của vụ việc. Khi nào làm việc được với ông P.G hoặc có thông tin mới sẽ phục hồi điều tra giải quyết tiếp. Nhận thấy việc giải quyết, tố giác tội phạm chưa thỏa đáng, chị H đã gửi đơn khiếu nại Quyết định số 64/QĐ-TĐC, đồng thời cung cấp nhiều thông tin quan trọng về người bị tố giác và đề nghị CA huyện Thạch Thất khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra. PL&XH sẽ thông tin chi tiết trong bài sau.
Bố mất, mẹ đi tù, tài sản bị chiếm giữ trái phép
Có dấu hiệu dùng bộ giấy tờ giả để chiếm giữ đất?

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.