VĐV nhảy xa Hà Nội vượt qua biến cố, giành Huy chương Bạc

Trở lại sau 5 năm vắng bóng từ tấm HCV ASIAD 18, “nữ hoàng nhảy xa” Bùi Thị Thu Thảo vẫn giữ vững phong độ thi đấu tại SEA Games 31. Dù không thể bảo vệ “ngôi vương” số 1 Đông Nam Á nhưng ý chí, nghị lực của vận động viên Hà Nội khiến nhiều người nể phục.
Chân dung VĐV Bùi Thị Thu Thảo
Chân dung VĐV Bùi Thị Thu Thảo

Kiên trì, khổ luyện

Trước thềm SEA Games 31, Bùi Thị Thu Thảo (SN 1992, quê Ba Vì, Hà Nội) bày tỏ quyết tâm cống hiến hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc. Áp lực thi đấu trên sân nhà là điều khó tránh khỏi với bất kỳ VĐV nào, đặc biệt là đối với “nữ hoàng nhảy xa” sau 5 năm rời xa hố nhảy.

Thời gian đầu tái xuất, Thu Thảo gặp nhiều khó khăn trong việc theo đuổi giáo án mới. Cô thường xuyên bị hụt hơi, căng cơ, nhiều lúc kết quả không như mong muốn khiến cô có ý định bỏ cuộc. Nhờ kiên trì từng ngày, ngoài giáo án chung, Thu Thảo tranh thủ buổi sáng, tối tập luyện thêm giờ để sớm bắt nhịp với đồng đội.

Kết quả tại giải Điền kinh vô địch quốc gia năm 2021, VĐV Bùi Thị Thu Thảo trở lại thi đấu với thành tích vượt trội 6m27, hơn người xếp thứ 2 là VĐV Vũ Thị Ngọc Hà đến 20cm và người xếp thứ 3 là VĐV Hà Thanh Thủy 25cm, xuất sắc giành HCV. Mặc dù chưa đạt được thành tích đỉnh cao 6m55, từng giúp cô gái Ba Vì “ẵm” HCV ASIAD 18 nhưng đó cũng là động lực để Bùi Thị Thu Thảo nỗ lực tập luyện, chuẩn bị cho SEA Games 31.

Theo dõi hành trình Bùi Thị Thu Thảo trở lại đấu trường SEA Games 31, khó có thể hình dung được ý chí, khổ luyện hơn người. Hình ảnh Thu Thảo ngâm mình trong thùng chứa đá lạnh giúp co cơ sau tập luyện khiến nhiều người xót xa. Đối với Thu Thảo, đằng sau giây phút vinh quang trên bục nhận huy chương thì rất nhiều VĐV đối mặt với tình trạng chấn thương và Thu Thảo cũng không ngoại lệ.

Trước ngày thi đấu SEA Games 31, Thu Thảo bị đau chân, phải dùng thuốc điều trị liên tục, may mắn chấn thương phục hồi trước ngày thi đấu chính thức để không bỏ lỡ kỳ SEA Games tổ chức ở quê hương. Từng nhớ tháng 9/2019, Thu Thảo phải viết đơn gửi lên Tổng cục Thể dục thể thao xin không tham dự SEA Games 30 tổ chức Philippines vì chấn thương nặng. Thời điểm đó, chấn thương hông tái phát và khó có cơ hội phục hồi, thậm chí, BS còn cảnh báo là phải nghỉ thi đấu, vì nếu cường độ tập luyện cao có thể sẽ phải giã từ thể thao. Ngày đó, quyết định không tham gia đấu trường thể thao lớn nhất khu vực là một điều đáng tiếc khi cô không thể bảo vệ được tấm HCV ASIAD 18 và HCV SEA Games 29 (năm 2017).

Sau quyết định tạm nghỉ thi đấu, Thu Thảo từng nghĩ đến việc giải nghệ sự nghiệp VĐV và định hướng trở về địa phương làm công tác huấn luyện. Thế nhưng, cái duyên với nghiệp thi đấu đưa Thu Thảo trở lại hố nhảy và được kỳ vọng giành HCV cho tuyển điền kinh Việt Nam tại SEA Games 31.

Vượt qua cú sốc trước thềm SEA Games 31

Gần 5 năm trở lại đấu trường thể thao, Thu Thảo nhập cuộc với tốc độ mạnh mẽ, song áp lực tâm lý khiến Thu Thảo liên tục mắc lỗi chạm vạch phạm quy. Thành tích cao nhất Thu Thảo đạt được 6m38, giành HCB và chỉ kém đồng đội Vũ Thị Ngọc Hà với thành tích 6m39 đạt HCV.

Chia sẻ về kết quả đáng tiếc, Thu Thảo cho hay: “Sau 5 năm mới trở lại nên tôi sung quá. Trong ngày thi đấu, gia đình cũng đến để cổ vũ nên tôi lại càng sung, dẫn đến bị loạn. Mất HCV này tôi không tiếc vì đàn em của mình đã đạt được. Điều quan trọng là tấm HCB giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho ASIAD 19 và SEA Games 2023”.

Ít ai biết, trước thềm SEA Games 31, Thu Thảo đón nhận cú sốc cha mất vì bạo bệnh. Mặc dù căn bệnh của cha cô kéo dài đã nhiều năm, chuyển biến giai đoạn nặng nhưng biến cố này ít nhiều ảnh hưởng tâm lý của con gái. Đối với Thu Thảo, sự nghiệp thể thao của cô có điểm tựa rất lớn từ cha mình. Cô từng nhớ đến lời động viên của cha, chính cha đã định hướng cho Thảo đến với sự nghiệp thể thao và thời điểm cô thất bại, ông là người bên cạnh động viên con gái quyết tâm trở lại thi đấu.

“Đến bây giờ, tôi cảm ơn gia đình, đặc biệt là người cha của mình. Trước đây, tôi đã từng nhiều lần bỏ cuộc nhưng rồi cha tôi đã động viên tôi đi theo nghiệp thể thao, phải quyết tâm, sau thất bại ắt sẽ thành công nên tôi đã nghe theo. Bây giờ, tôi cảm thấy thật may mắn vì đã nghe theo cha chọn nghề này. Những tấm huy chương chính là món quà tôi gửi niềm cảm ơn tới cha mẹ. Tôi sẽ nỗ lực và cố gắng thật nhiều để cha mẹ luôn được vinh dự và tự hào”, Thu Thảo trải lòng.

Nhận xét về VĐV Bùi Thị Thu Thảo, HLV Nguyễn Minh Hiếu cảm phục ý chí hơn người của cô học trò có thể hình khiêm tốn nhất chỉ cao 1,64m so với các VĐV quốc tế. Bù lại, Thảo là người có sức bật tốt và chính nỗ lực bứt phá đã giúp “cô gái vàng” giành thành tích cao nhất trong một cuộc thi đấu có quá nhiều áp lực về tâm lý. Trước đây, Thảo từng có suy nghĩ giã từ điền kinh vì áp lực kinh tế gia đình, thậm chí 6 năm thi đấu mới đạt HCĐ tại SEA Games 2013 và HCB vào năm 2015.

Nhờ kiên trì và ý chí “thép”, Thu Thảo đã vươn tới đỉnh cao vinh quang, thay đổi “phận bạc” của chính mình. Cô giành HCV SEA Games 2017, vượt qua Maria Natalia Londa với thành tích 6m68 và giành HCV ASIAD 18 với thành tích 6m55. Tấm Huy chương Vàng ASIAD 18 là tấm Huy chương Vàng lịch sử đầu tiên của làng điền kinh Việt Nam.
Con đường chinh phục thảm đỏ SEA Games 31 của nữ võ sĩ Hà Nội
Hà Nội dành hơn 17 tỷ đồng tôn vinh VĐV, HLV đạt thành tích tại SEA Games 31
Đề xuất tặng Huân chương cho 4 nhà vô địch SEA Games 31
Thành phố Hà Nội tuyên dương, khen thưởng các HLV, VĐV đạt thành tích xuất sắc
Tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 305 vận động viên xuất sắc tại SEA Games 31
Mở ra một Hà Nội - Việt Nam mến khách, nghĩa tình
Tặng Huân chương Lao động cho các VĐV thành tích cao tại SEA Games 31

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.