Ký ức một thời hoa lửa

Ở tuổi ngoài 70, những ký ức về thời khắc lái xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 vẫn nguyên vẹn trong tâm trí người lính Nguyễn Văn Tập. Trải qua 47 năm lịch sử, câu chuyện chiến trường, kỷ niệm đồng đội được ông kể rõ ràng, mạch lạc như một “tư liệu lịch sử” sống động về một thời hoa lửa.
Người lính Nguyễn Văn Tập hồi tưởng về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Ảnh Vi Giáng
Người lính Nguyễn Văn Tập hồi tưởng về chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975. Ảnh Vi Giáng

Ước mơ khoác màu xanh áo lính

Những ngày tháng 4 lịch sử, trong không khí chào mừng 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022) cuộc trò chuyện với người lính Nguyễn Văn Tập - nhân chứng lịch sử, người lái xe tăng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập đã đi vào huyền thoại một thời giúp chúng tôi hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, những hi sinh anh dũng của thế hệ cha anh cho nền độc lập nước nhà.

Như một cuốn phim quay chậm, Trung sĩ Nguyễn Văn Tập thuộc kíp xe tăng 390 biên chế Lữ đoàn xe tăng 203 kể lại rõ ràng câu chuyện thời chiến từ những ngày đầu nhập ngũ năm 1970.

Thời đó, ông Nguyễn Văn Tập, SN 1951, tại thôn Đại Lương, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, thuộc diện không phải đi bộ đội khi gia đình có hai anh trai đang tham gia kháng chiến chống Mỹ (ông là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh em). Học hết lớp 7, ông Tập được tuyển vào trường Cơ khí 2 (Bộ Công nghiệp nặng) tại Vĩnh Phúc. Đến năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước sang giai đoạn ác liệt nhất, ý chí ra chiến trường thúc giục chàng trai trẻ, ông Tập viết tâm thư gửi lãnh đạo nhà trường với mong muốn được nhập ngũ, khoác màu áo lính. Hai tháng sau, nguyện vọng của ông Tập được nhà trường đồng ý.

Thời gian mới nhập ngũ, ông Tập được huấn luyện 4 tháng tại Triệu Sơn (Thanh Hóa). Sau đó được vào Tiểu đoàn 512, Trung đoàn 203 xe tăng. Kết thúc khóa huấn luyện, ông nhận nhiệm vụ chiến đấu vào năm 1971. Với phẩm chất nhanh nhẹn, ông Tập được giao xe tăng mới loại T54B. Cuối năm 1972, do nhiệm vụ nên cấp trên bàn giao cho đơn vị khác và ông Tập nhận loại xe T59 (xe 390).

Chiếc xe 390 cũng gắn bó với ông Tập trong suối thời gian binh nghiệp, từng tham gia nhiều trận đánh trong Chiến dịch mùa khô năm 1975 ở A Sầu (huyện A Lưới) hay căn cứ Nước Trong góp phần giải phóng hoàn toàn Xuân Lộc - “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn – Gia Định. Nhưng đáng nhớ nhất là chiếc xe 390 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975 và trở thành nhân chứng lịch sử.

Chiến thắng lịch sử

Trong ký ức của 47 năm lịch sử, người lái xe tăng Nguyễn Văn Tập nhớ như in thời khắc đoàn quân Giải phóng Việt Nam tiến vào Sài Gòn. 8g sáng ngày 30-4-1975 đơn vị của ông Tập có mặt tại cầu Sài Gòn. Trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390, kíp xe tăng gồm 4 người gồm: Trung úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên đại đội kiêm Trưởng xe; Trung sĩ Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1; Thiếu uý Lê Văn Phượng, Phó đại đội trưởng kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2; Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, lái xe thuộc Đại đội tăng 4, Tiểu đoàn tăng 1, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2). (Bây giờ, kíp xe tăng 390 chỉ còn 3 người, đồng chí Lê Văn Phượng đã mất).

Lúc này, trên cầu Sài Gòn, 3 xe tăng của ta và 1 xe M48 của ngụy đang bốc cháy, khói lửa mù mịt. Trên trời, những chiếc máy bay A37 gầm rú dội bom xuống cầu, hòng ngăn chặn lực lượng của ta. Lập tức, những khẩu súng máy cao xạ trên các xe tăng của ta đồng loạt nhả đạn, buộc máy bay địch phải vọt lên cao thả bom nhưng không trúng cầu.

Nhận định tình hình địch, Đại tá, Anh hùng LLVT Nhân dân Bùi Quang Thận, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn tăng 2, Lữ đoàn xe tăng 203 (Quân đoàn 2) và Đại úy Vũ Đăng Toàn, nguyên chính trị viên Đại đội 4 biên chế Lữ đoàn xe tăng 203 cùng một số đồng chí đã bàn bạc việc qua cầu đánh thẳng vào TP Sài Gòn, quyết tâm “Sống chết phải vượt cầu. Nếu chậm trễ, máy bay địch ném bom phá cầu sẽ không thể vào thành phố Sài Gòn”.

Nhờ ý chí quyết tâm đội hình tiếp tục tiến với tốc độ cao, phá hủy nhiều lô cốt, công sự buộc địch bỏ chạy. Đoàn xe đi đến đâu, xe của địch bị tiêu diệt và cháy đến đó. Xe tăng số hiệu 390 lao lên vượt qua chướng ngại vật và tiến về ngã tư Hàng Xanh rồi rẽ trái theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đi đến cầu Thị Nghè thì phát hiện xe 387 của ta bị trúng đạn, một chiến sĩ bộ binh đi cùng xe hi sinh. Trên đường vào Dinh, xe tăng 390 bị hai xe tăng M8 và M113 của địch chĩa nòng súng nhả đạn, Trung sĩ Ngô Sĩ Nguyên quay súng bắn tiêu diệt luôn xe tăng địch để tiến thẳng vào cổng Dinh.

Đến cổng Dinh Độc Lập, thấy xe tăng số hiệu 843 của nguyên Đại đội trưởng Đại đội 4 Bùi Quang Thận đi trước đột nhiên dừng lại ở phía cổng phụ trái. Lái xe Nguyễn Văn Tập quay ra hỏi nguyên trưởng Đại đội 4 Vũ Đăng Toàn, ý anh thế nào? Anh Toàn nói: “Cứ tông thẳng vào”. Lúc đó, ông Tập không nghĩ hàng rào có thiết bị điện tử hay không, chỉ với lòng quyết tâm nhanh chóng thọc sâu vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền, mở đường cho bộ đội giải phóng tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập.

Đã có biết bao đồng đội ngã xuống trước giờ phút toàn thắng, minh chứng rõ nhất sự hi sinh anh dũng của Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ, nguyên Tiểu đoàn xe tăng 1, người chỉ huy dũng cảm trong trận chiến ở cầu Sài Gòn, bắn cháy 1 M48 và phá hủy nhiều lô cốt, công sự của địch, mở đường cho đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn. Đồng chí Ngô Văn Nhỡ hi sinh khi chỉ cách thời khắc giải phóng miền Nam vài tiếng đồng hồ.

Sau khi đánh chiếm Dinh Độc Lập, khoảng 13g30 kíp xe tăng 390 được lệnh ra bảo vệ tân cảng Sài Gòn. Vài ngày sau, được điều động về tổng kho Long Thành (Đồng Nai) để củng cố lực lượng, học tập chính trị. Năm 1976, ông Tập phục viên trở về quê hương.

Đến nay, hình ảnh chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 đã đi vào huyền thoại, trở thành niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Những ngày tháng 4 hàng năm, dù tuổi ngoài 70 nhưng người lính Nguyễn Văn Tập vẫn không nề hà, nhận lời các cuộc nói chuyện, giao lưu với những người lính giải phóng quân và các thế hệ sinh viên, học sinh. Những câu chuyện chiến trường, tình đồng đội được các nhân chứng lịch sử kể lại là “tư liệu lịch sử” chân thực mà không một kiến thức sách vở nào có thể thay thế.

“Chứng kiến giây phút cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu giờ phút toàn thắng của dân tộc những người lính xe tăng vỡ òa cảm xúc. Những gương mặt còn đen nhẻm mùi thuốc súng, khói đạn trong “trận chiến cuối cùng” mắt ướt nhòe vì xúc động, vì khao khát hòa bình khi chiến tranh quá dài và ác liệt”- ông Nguyễn Văn Tập luôn nhớ mãi cảm xúc đó .
Chiến thắng 30-4-1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
Những hình ảnh quý giá về ngày Giải phóng miền Nam (30-4-1975)
Thủ đô Hà Nội với sự nghiệp giải phóng miền Nam
Phát huy tinh thần chiến thắng 30-4 để thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển đất nước
Triển lãm 70 bức ký họa chiến trường

Mộc Miên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.