Hà Nội: Xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch vì lợi ích của Nhân dân

Những năm qua, công tác triển khai thực hiện Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã đạt được những kết quả quan trọng. Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước ổn định và đi vào nề nếp. Hệ thống cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch và đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch các cấp được củng cố, kiện toàn.
Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch giải quyết TTHC cho người dân
Cán bộ Tư pháp – Hộ tịch giải quyết TTHC cho người dân

Những kết quả đạt được

Được sự quan tâm của các cấp, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật hộ tịch được tăng cường; cải cách TTHC trong đăng ký và quản lý hộ tịch được đẩy mạnh, tạo thuận lợi cho người dân. Qua đó, người dân nhận thức được việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, tự giác thực hiện đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng thời gian quy định của pháp luật, tỷ lệ đăng ký hộ tịch tăng cao.

Dữ liệu hộ tịch đã được hình thành với hệ thống sổ sách về hộ tịch được lưu trữ, sử dụng lâu dài. Số liệu thống kê, báo cáo được bảo đảm chính xác hơn, bước đầu đáp ứng yêu cầu tra cứu cũng như cấp các giấy tờ hộ tịch của cá nhân. Việc ứng dụng CNTT trong công tác đăng ký, lưu trữ dữ liệu về hộ tịch đã được triển khai ở các địa phương. Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hộ tịch đối với công tác quản lý Nhà nước và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân ngày càng được khẳng định.

Ngày 4/1/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BTP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP đã quy định việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai phương thức đăng ký hộ tịch trực tuyến, ban hành biểu mẫu hộ tịch điện tử có giá trị sử dụng hoặc cung cấp nguồn thông tin như biểu mẫu hộ tịch giấy;

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, 5 năm qua công tác đăng ký hộ tịch đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, triển khai thực hiện khá đồng bộ của các cấp, các ngành và có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Đến nay, phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch thông qua bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã hình thành, với trọng tâm là phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí triển khai thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tính đến cuối năm 2021, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử ghi nhận 21.246.221 dữ liệu khai sinh với 6.486.428 dữ liệu khai sinh đủ điều kiện, đã được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cấp số định danh cá nhân; 4.247.455 dữ liệu kết hôn; 5.145.840 dữ liệu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 3.010.027 dữ liệu khai tử với 9.572 ghi nguyên nhân tử vong vì dịch Covid-19; 9.626 trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; 493.507 dữ liệu cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Dữ liệu hộ tịch được số hóa liên tục

Tại Hà Nội, dữ liệu về hộ tịch được số hóa liên tục, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và nhiều quy trình còn triển khai gộp theo cơ chế “một cửa liên thông” gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, được người dân hào hứng đón nhận.

Theo GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Ngô Anh Tuấn, hàng năm, UBND cấp huyện, UBND cấp xã giải quyết hơn 120 nghìn hồ sơ đăng ký khai sinh, 40 nghìn hồ sơ đăng ký kết hôn, 40 nghìn hồ sơ đăng ký khai tử và hàng nghìn hồ sơ khác. Các sự kiện hộ tịch được đăng ký đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật và cập nhật kịp thời vào Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử TP, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tích hợp, chia sẻ với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Từ ngày 1/1/2016, TP Hà Nội đã sử dụng Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Đến ngày 22/3/2022, trên Cơ sở dữ liệu hộ tịch có: 1.227.895 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó 790.226 dữ liệu khai sinh được cấp số định danh cá nhân; 86.185 dữ liệu đăng ký kết hôn; 53.606 dữ liệu đăng ký khai tử; 355 dữ liệu đăng ký nhận cha mẹ con; 35 dữ liệu đăng ký giám hộ; 27.323 dữ liệu xác nhận tình trạng hôn nhân; 63 dữ liệu nhận con nuôi trong nước; 7.620 dữ liệu thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc.

Qua 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế, toàn Hà Nội giải quyết được hơn 2 triệu 100 nghìn hồ sơ trong đó: Đăng ký khai sinh hơn 750 nghìn hồ sơ; Cấp Thẻ bảo hiểm y tế hơn 700 nghìn hồ sơ; Đăng ký thường trú hơn 650 nghìn hồ sơ. Nếu công dân thực hiện riêng lẻ từng thủ tục thì thời gian giải quyết là 28 ngày, nếu liên thông thì thời gian giải quyết là 7 ngày làm việc, công dân nhận được 3 kết quả: Giấy khai sinh, Thẻ Bảo hiểm y tế, Đăng ký thường trú.

Tháng 3/2022, Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện thí điểm Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư; định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Sở đã ban hành kế hoạch, chủ động xây dựng dự thảo quy trình triển khai thực hiện Đề án, báo cáo Bộ Tư pháp.

Trong đó, về công tác hộ tịch, Sở Tư pháp đã xây dựng 03 dự thảo Quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục Đăng ký khai sinh, Đăng ký kết hôn, Đăng ký khai tử qua Cổng Dịch vụ công gửi các cơ quan liên quan để góp ý, tổng hợp, trình UBND TP ban hành.

Đồng thời, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng UBND TP, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp, Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công, Một cửa điện tử Thành phố kết nối, chia sẻ thông tin với Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp sẽ tập trung nguồn lực triển khai dự án đầu tư công về xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, bảo đảm sớm đi vào vận hành đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, báo cáo lãnh đạo các địa phương cho phép cập nhật, số hóa các giấy tờ bằng văn bản trong lĩnh vực này.

Đây sẽ là tiền đề để các địa phương mở rộng phạm vi thực hiện đăng ký hộ tịch trực tuyến, làm thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, với tinh thần lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, góp phần thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Tiếp nhận và giải quyết trên 1.000 TTHC về hộ tịch, chứng thực trong tháng đầu năm 2022
Nguyên tắc xử lý thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử
Nâng cao năng lực cán bộ công tác tư pháp – hộ tịch cấp xã
10/11 phường thực hiện ủy quyền ký chứng thực cho công chức Tư pháp - Hộ tịch

Bạch Dương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.