Xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, sáng tạo trong phát triển du lịch Hà Nội:

Tạo thêm sản phẩm du lịch riêng có của Thủ đô

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 đang rất gần, là thời điểm ngành du lịch Thủ đô từng bước lấy lại đà tăng trưởng. Trong khi nhiều địa điểm và các khu du lịch đã kín chỗ thì nhiều người lại lựa chọn ở lại Hà Nội. Vì vậy, các điểm đến Hà Nội tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm độc đáo, sáng tạo mang đặc trưng riêng của Hà Nội.
Hồ Gươm vẫn là lựa chọn không thể thiếu trong dịp nghỉ lễ  Ảnh: Khánh Huy
Hồ Gươm vẫn là lựa chọn không thể thiếu trong dịp nghỉ lễ. Ảnh: Khánh Huy

Các điểm đến mang chiều sâu văn hóa tại Hà Nội

Khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, cũng là lúc nhu cầu du lịch của người dân Thủ đô tăng cao. Dù vậy, bên cạnh các gia đình, cá nhân có những chuyến đi xa, nhiều người lựa chọn cho mình kỳ nghỉ ngay tại Hà Nội với các điểm nghỉ dưỡng, vui chơi lân cận TP như: Các di tích, công viên, khu mua sắm, khu nghỉ dưỡng… sẽ trở thành nơi tìm đến của đông người dân và du khách.

Các đơn vị quản lý điểm đến cũng kỳ vọng vào sức tăng của khách trong kỳ nghỉ sắp tới. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng các chương trình giải trí đã hoàn tất để đón khách trong bối cảnh Hà Nội thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nếu trước kia, du khách đến Hà Nội thường được tham quan những giá trị văn hóa hiện hữu như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khu di tích Phủ Chủ tịch, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm, Phố cổ Hà Nội, Nhà tù Hỏa Lò… thì nay, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, các DN lữ hành và điểm đến xây dựng các sản phẩm mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội.

Trên nền các điểm đến truyền thống, những người làm du lịch đã tạo nên những sản phẩm mới “kể” những câu chuyện để du khách hiểu hơn về giá trị, ý nghĩa. Cùng với đó là những trải nghiệm để tạo ấn tượng cho du khách khi tới tham quan, đọng lại những dấu ấn đẹp.

Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nhân văn nhưng việc khai thác phát triển du lịch mới dừng ở một góc nhỏ. Ngành du lịch vẫn còn nhiều cơ hội để “biến” thành các sản phẩm du lịch.

Trong hành trình tham quan 36 phố phường Hà Nội, ngoài việc đến các đền chùa trong khu phố cổ, mua sắm, thưởng thức nghệ thuật và ẩm thực đặc trưng, mọi người có thể khám phá thêm những nét văn hóa của phố cổ không phải người dân Hà Nội nào cũng biết.

Bên cạnh dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao, nhiều sản phẩm cần được chú trọng phát triển nhiều hơn sau thời dịch Covid-19 như: Dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh; sản phẩm du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao…

Hiện nhu cầu đi cắm trại để hoà mình vào với thiên nhiên cũng đang được đông đảo người dân quan tâm. Dịp lễ này,g ần Hà Nội đã có những điểm cắm trại vô cùng nổi tiếng, được giới “xê dịch” ưa chuộng có thể kể đến như Sơn Tinh Camp, Hồ Đại Lải, Vườn Quốc gia Ba Vì… Trong nội thành, bạn có thể đến công viên Yên Sở, bãi đá sông Hồng, vườn nhãn Long Biên... là những địa điểm cắm trại rất "nóng" thời gian gần đây.

Hay dù là một điểm đến quen thuộc với người dân thủ đô, Hồ Gươm vẫn là lựa chọn không tồi để bạn và người thân tận hưởng dịp lễ. Dành một buổi trong kỳ nghỉ để dạo quanh Hồ Gươm, đắm chìm trong không khí tươi mát cùng vẻ đẹp vừa trữ tình vừa cổ kính chắc chắn sẽ đem đến cảm xúc thú vị. Nhiều người chia sẻ, dù có đi qua Hồ Gươm thăm các địa điểm đến nổi tiếng như Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút... bao nhiêu lần thì vẫn không hết chán cảm giác mà nơi đây mang lại.

Và trong hành trình khám phá địa điểm quen thuộc, người dân có thể thưởng thức ẩm thực nổi tiếng khu phố cổ như: chè Bốn Mùa, chả cá Lã Vọng, kem Tràng Tiền, bún ốc ngõ Chợ Đồng Xuân, khu ẩm thực ngõ Trung Yên...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ, xa hơn ngành du lịch Thủ đô cần chú trọng đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống, mua sắm và trải nghiệm để kích thích nhu cầu tiêu dùng của du khách. Trong đó, đặc biệt phát triển kinh tế đêm để tăng trải nghiệm cho du khách.

Bởi nếu thử một vài lần ngắm nhìn vẻ đẹp quyến rũ của Hà Nội lúc về đêm khi dạo quanh phố Tạ Hiện để thưởng thức cuộc sống ồn ào của giới trẻ, những quán trà chanh, trà đá, bia hơi... đông đúc, tấp nập; hay thưởng thức âm nhạc đường phố hoặc đến những tụ điểm giải trí của giới trẻ chắc hẳn sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.

Tận hưởng cuộc sống về đêm ở Hà Nội, nhiều người trẻ còn thích những trải nghiệm khi ngược lên cầu Long Biên để ngắm nhìn chợ nông sản từ trên cao, cảm nhận không khí trong lành bên bờ sông Hồng.

Xây dựng sản phẩm phục vụ ngay chính người Hà Nội

Thông thường, các DN thường tập trung xây dựng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến Hà Nội hay khách Hà Nội đi các địa phương khác nhưng trong thời điểm này, nhiều đơn vị chú trọng xây dựng sản phẩm phục vụ ngay chính người Hà Nội. Bởi không phải ai cũng biết nhiều, hiểu nhiều về văn hóa, lịch sử, các giá trị nhân văn văn của Hà Nội. Việc xây dựng dòng sản phẩm này có tính đặc thù cao, có những trải nghiệm độc đáo.

Hiện nay, thị trường du lịch đang xuất hiện xu hướng du lịch tại chỗ và các DN du lịch nên nắm bắt thị hiếu này. Khách không thể đi xa, đã có những “resort” tại chỗ như: Nghỉ dưỡng, tham quan khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake, thưởng lãm cảnh quan hồ Tây. Bên cạnh các thị trường khách đến Hà Nội nhiều như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ thì chính người Hà Nội cũng muốn trải nghiệm lưu trú ở các khách sạn cao cấp.

Các căn homestay xinh xắn ở nội và ngoại thành cũng giúp cho người dân có một trải nghiệm thú vị mà không tốn quá nhiều chi phí đắt đỏ. Nhiều căn phòng homestay xinh xắn ở hồ Tây hoặc quanh hồ Gươm... đang là lựa chọn không thể thiếu của nhiều gia đình trẻ.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng cho rằng, các DN, điểm đến đã chủ động tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng có của Thủ đô nhưng thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn các DN, điểm đến tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác lâu dài để thu hút khách đến với Thủ đô.

Du lịch Hà Nội nhiều khởi sắc khi mở cửa trở lại
Nhịp tăng trở lại của khách quốc tế
Tổ chức khảo sát dành cho doanh nghiệp tại lễ hội Du lịch Hà Nội 2022
Quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch Hà Nội nhân dịp SEA Games 31

Linh Huy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.