Vụ nghệ sỹ không chiếm đoạt tiền từ thiện: Người tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự?

Trong trường hợp những người bị tố cáo là những nghệ sĩ không chiếm đoạt tiền từ thiện mà có đơn đề nghị xem xét xử lý người tố cáo mình về hành vi vu khống thì CQĐT cũng sẽ thụ lý xem xét để giải quyết xác minh tin báo theo quy định pháp luật.
Kết luận của Bộ Công an về tố cáo một số nghệ sỹ chiếm đoạt tiền từ thiện
Không khởi tố vụ án hình sự bà Nguyễn Phương Hằng tố ông Võ Hoàng Yên
Những người tố cáo nghệ sĩ Hoài Linh có bị vướng quy định pháp lý?
Chuyển đơn của Đàm Vĩnh Hưng tố cáo bà Phương Hằng tới Công an Bình Dương

Không có hành vi gian dối trong quyên góp tiền từ thiện

Ngày 23-1, Cục CSHS Bộ Công an cho biết CQCSĐT đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với các tin báo, tố giác một số nghệ sĩ (Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, Đại Nghĩa...) thiếu minh bạch trong việc vận động và sử dụng tiền từ thiện đợt mưa lũ năm 2020.

Theo Bộ Công an, tháng 5-2021, cơ quan chức năng tiếp nhận phản ánh về việc ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, MC Trấn Thành, MC Đại Nghĩa và một số cá nhân huy động tiền từ thiện. Trong đó, một số người tố cáo các nghệ sĩ thiếu minh bạch khi sử dụng tiền quyên góp.

Quá trình xác minh, Cục CSHS có căn cứ làm rõ các nghệ sĩ trên không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp nên không có dấu hiệu phạm tội.

Ảnh minh hoạ
Người tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh hoạ)

Thiếu tướng Hồ Sỹ Niêm, Phó Cục trưởng Cục CSHS cho biết, quá trình rà soát, Bộ Công an còn xác định sau khi có lượng tiền ủng hộ, các cá nhân đã trực tiếp hoặc thông qua người đại diện để trao tiền.

Cục CSHS làm rõ lượng tiền vào tài khoản từ thiện còn ít hơn số tiền mà các cá nhân trao đến cho Nhân dân. Những kết quả điều tra này dựa trên xác nhận của các địa phương.

Trước đó, qua mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng cho rằng một số nghệ sĩ khuất tất trong hoạt động quyên góp, giải ngân tiền từ thiện. Ngược lại, nhiều nghệ sĩ như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng tố cáo bà Hằng vu khống, bôi nhọ và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý người phụ nữ này.

Ngày 15-10-2021, Cục CSHS đã mời ca sĩ Thủy Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, danh hài Trấn Thành, MC Đại Nghĩa đến làm việc sau những lùm xùm trên mạng về tiền từ thiện.

Thông báo
CQCSĐT Bộ Công án thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm

Đơn vị này cũng yêu cầu cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp rà soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tài khoản của các cá nhân gồm: Bà Trần Thị Thuỷ Tiên (ca sĩ Thuỷ Tiên); ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), ông Huỳnh Trấn Thành (danh hài Trấn Thành).

Ngoài ra, Cục CSHS cũng đề nghị các đơn vị trên cung cấp bản sao hồ sơ mở tài khoản và toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản đã được rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản, sao kê tất cả giao dịch từ lúc mở tài khoản đến nay...

Hành vi vu khống sẽ bị xử lý như thế nào?

Dư luận đặt câu hỏi các trường hợp có đơn tố cáo các nghệ sĩ trục lợi có xử lý không? Nếu có thì xử lý thế nào? Căn cứ vào đâu để xử lý? Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu những cá nhân đứng đơn tố cáo các nghệ sĩ ăn chặn, trục lợi tiền từ thiện xuất phát từ sự vô tư, khách quan mà không có bất cứ động cơ, mục đích nào khác nhằm làm xấu đi hình ảnh, sai sự thật dẫn đến ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các nghệ sĩ, thì dù sau đó cơ quan chức năng không đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm đối với người bị tố cáo là các nghệ sĩ thì cũng khó có thể xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân đứng đơn tố cáo.

Ngược lại, luật sư Nguyên cũng cho biết, trường hợp những người tố cáo, tố giác các nghệ sĩ lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không khiếu nại đối với quyết định không khởi tố vụ án hình sự này và cũng không cung cấp thêm được thông tin tài liệu nào khác chứng minh hành vi phạm tội của những nghệ sĩ này thì vụ việc này sẽ kết thúc.

Trong trường hợp này, những người nghệ sĩ bị tố cáo, tố giác có quyền đề nghị phía CQĐT xem xét hành vi vu khống của người đã tố cáo họ. Trong trường hợp những người bị tố cáo là những nghệ sĩ không bị khởi tố mà có đơn đề nghị xem xét xử lý người tố cáo mình về hành vi vu khống thì CQĐT cũng sẽ thụ lý xem xét để giải quyết xác minh tin báo theo quy định pháp luật.

Như vậy, luật sư Nguyên cho rằng, trường hợp các nghệ sĩ “phản pháo”, tố cáo ngược trở lại đối với người đã tố cáo họ về tội “Vu khống” thì CQĐT sẽ xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, căn cứ tố cáo để có căn cứ giải quyết theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người tố cáo nghệ sĩ đã đưa tin sai sự thật, bịa chuyện để tố cáo nghệ sĩ thì sẽ khởi tố người này về tội “Vu khống” theo Điều 156, BLHS năm 2015 với mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 7 năm tù. Ngoài ra, nếu việc tố cáo sai sự thật đó dẫn đến những thiệt hại vật chất, thiệt hại tinh thần cho các nghệ sĩ thì người tố cáo sai sự thật phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những tổn thất đó theo quy định tại BLDS năm 2015.

Luật sư Nguyên cũng cho biết, pháp luật hiện hành vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể những hoạt động từ thiện kiểu này. Một số văn bản quy định về kêu gọi sử dụng tiền từ thiện như Nghị định 93/2021/NĐ-CP nhưng không tương thích, không đầy đủ cho hoạt động từ thiện của giới nghệ sĩ đã làm trong thời gian vừa qua.

“Khi nghệ sĩ tham gia các hoạt động xã hội cần phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác. Đặc biệt dùng uy tín cá nhân để lan tỏa giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng, chú trọng các hoạt động liên quan đến giáo dục sức khỏe cộng đồng, lối sống thân thiện và bảo vệ môi trường. Công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân”, luật sư Nguyên nêu quan điểm.

Qua những vụ việc từ thiện trong thời gian qua, luật sư Nguyên cho rằng, cần sớm nghiên cứu ban hành những quy định nhằm đưa ra cách thức làm từ thiện, thủ tục, điều kiện, tiêu chuẩn cho hoạt động từ thiện. Đồng thời, nên có cơ chế để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền làm bên thứ ba giám sát hoạt động từ thiện để đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.