Nông nghiệp của Thủ đô không được tách rời khoa học công nghệ

Kỳ cuối: Nông nghiệp Thủ đô phải cho thấy sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghiệp 4.0

Chia sẻ với PV, GS. Nguyễn Lân Dũng, cho rằng: “Trong thời gian tới, nông nghiệp Thủ đô cũng phải đặt trọng số cao hơn vào tri thức, khoa học và công nghệ, kết hợp với nông dân, ứng dụng mạnh mẽ 4.0 để bứt phá”.
GS. Nguyễn Lân Dũng: “Nền nông nghiệp của TP phải cho thấy được ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ 4.0 trong nhiều mặt”.(ảnh: Phan Thủy)
GS. Nguyễn Lân Dũng: “Nền nông nghiệp của TP phải cho thấy được ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ 4.0 trong nhiều mặt” (ảnh: Phan Thủy)

Là chuyên gia cao cấp của Trung tâm Công nghệ Sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ nhiệm Chương trình Tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân; nguyên là đại biểu Quốc hội, ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều với bà con nông dân và luôn dành mối quan tâm sâu sắc đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn, GS. Nguyễn Lân Dũng đã có những góp ý đối với những vấn đề phát triển nông nghiệp của Hà Nội.

Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, mặc dù Hà Nội là Thủ đô, là đô thị đặc biệt, nhưng vai trò của “tam nông” vô cùng quan trọng. Đó là: Nông dân – nông nghiệp – nông thôn.

Toàn TP có 30 quận, huyện, thị xã nhưng vẫn còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với diện tích đất nông nghiệp chiếm 58%. Toàn TP cũng có số xã nhiều nhất cả nước với 383 xã, dân số khu vực nông thôn cũng chiếm khoảng 50%... “Do đó, nông nghiệp, phải là một vấn đề quan trọng, đúng vị trí vai trò. Phát triển nông nghiệp chính là tạo ra những tiềm lực kinh tế để kéo gần lại khoảng cách nông thôn – thành thị ngay ở nội tại Thủ đô”, GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, yêu cầu nông nghiệp của Thủ đô phải khác những vùng nông nghiệp khác trên cả nước. Bởi, Hà Nội là trung tâm khoa học, công nghệ của cả nước, vậy, nền nông nghiệp của TP phải cho thấy được ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ 4.0 trong nhiều mặt: Công nghệ vi sinh, giống mới, môi trường nông nghiệp. “Muốn đánh giá được nông nghiệp TP đang ở đâu, hướng phát triển thời gian tới, phải lưu ý đến điểm này”, GS Nguyễn Lân Dũng chỉ rõ.

Ngoài ra, Hà Nội rất thuận lợi khi có nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, tiềm năng lợi thế lớn để TP có thể xây dựng đề án, tiến tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi và đáp ứng nhu cầu nông sản cho Thủ đô, xuất khẩu. Nông nghiệp của Hà Nội tất nhiên phải hướng đến xanh, sạch, an toàn. Không thể để xảy ra những ngộ độc âm thầm được.

Hà Nội có lợi thế nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, làng trồng hoa, lúa, rau… nhiều và đất đai rộng. Phải nghiên cứu các mô hình mới. Như mô hình thủy canh nông ở Đồng Tháp chẳng hạn: Tầng 1 nuôi cá, tầng 2 trồng rau, chu trình khép kín, hoàn toàn sạch, hoàn toàn áp dụng ở diện rộng, ứng dụng các công nghệ mang tên 4.0.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Hà Nội đã có những vùng rau sạch, an toàn, nhưng chưa đáp ứng đủ cho nhân dân TP và những mô hình đó cũng phải cải tiến. Hiện nay đã có nhiều mô hình trồng rau, củ quả ứng dụng 4.0. Thể hiện ở đặt các chức năng tự động chăm sóc, tưới nước, tự động đo các chỉ số, giảm công việc của con người mà quan trọng nhất là, sản phẩm của các công nghệ ấy phải là đạt chuẩn, được quét mã và đủ điều kiện xuất khẩu.

“Cái này đã làm rồi thì phải đẩy mạnh hơn. Phải cho thấy rõ nhất những ứng dụng của 4.0 trong nông nghiệp, vì nông nghiệp truyền thống hiện nay đã không mấy phù hợp nữa, vất vả mà giá trị sản lượng đem về cho bà con không bao nhiêu cả”, GS. Nguyễn Lân Dũng góp ý.

Cũng theo GS. Nguyễn Lân Dũng, 4.0 cũng thể hiện ở việc chúng ta có sản phẩm an toàn, loại bỏ những thói quen canh tác cũ. Tại sao lại đốt rơm rạ làm ô nhiễm không khí của TP? Đáng ra, chúng ta phải dùng rơm để sản xuất nấm rơm chứ. Đó là vai trò của vi sinh học. Có công nghệ can thiệp, sẽ giúp nông nghiệp không lặp lại thói quen canh tác không có lợi nữa, mà còn tận dụng được nhiều thứ để làm tăng thêm thu nhập cho bà con.

Thủ đô có những định hướng phát triển riêng, như chương trình công tác số 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Và, Thủ đô cũng có Luật riêng trong đó có chú trọng đến Khoa học công nghệ như: tập trung phát triển đồng bộ khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và công nghệ; bảo đảm phát huy tiềm năng, trí tuệ của các nhà khoa học và công nghệ; huy động sự tham gia, phối hợp của các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học và công nghệ khác; phát triển các dịch vụ khoa học và công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao, chuyển nhượng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch trên địa bàn Thủ đô.

GS. Nguyễn Lân Dũng góp ý, nông nghiệp của Thủ đô thời gian tới không được tách rời Khoa học công nghệ. Muốn vậy Sở NN&PTNT, Sở KHCN phải hợp tác mạnh hơn. Phải dựa vào những người tài ở KHCN liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. “Tôi tin giới tri thức, luôn sẵn sàng góp sức cho Thủ đô. Chỉ cần đặt họ đúng công việc và môi trường. Nông nghiệp Thủ đô cũng phải đặt trọng số cao hơn vào tri thức, khoa học và công nghệ, kết hợp với nông dân, ứng dụng mạnh mẽ 4.0 để bứt phá”, GS. Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh.

Kỳ 2: Để ngành nông nghiệp Thủ đô có bước phát triển đột phá và bền vững
Kỳ 1: Bước chuyển mình mạnh mẽ của nông nghiệp Thủ đô

Khánh Phong

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.