Triển khai Luật Thủ đô vào phát triển GD&ĐT - Những bước tiến và kiến nghị sửa đổi:

Kỳ cuối: Xứng đáng vị thế trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng hàng đầu cả nước

Sự đồng bộ trong quan điểm chỉ đạo điều hành, đã giúp ngành GD&ĐT Hà Nội nhiều năm qua giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, về số lượng học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế... xứng đáng ở vị thế trung tâm giáo dục đào tại hàng đầu cả nước. Nhất là trong bối cảnh hơn 2 năm qua, chịu ảnh hưởng của làn sóng dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục đã chịu tác động không nhỏ...

Kỳ 3: Giáo dục phổ thông chuyển đổi mạnh mẽ với mô hình trường chất lượng cao

Kỳ 2: Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới
Kỳ 1: Hệ thống trường lớp đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của học sinh

Kết quả ấn tượng cả ở giáo dục đại trà và thành tích cao

Năm học 2020-2021, Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn, giữ vững thành tích của học sinh Thủ đô trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Trong kỳ học sinh giỏi quốc gia, Hà Nội có số thí sinh đạt giải nhiều nhất cả nước, với 139 thí sinh đạt giải, trong đó có 11 giải Nhất. Học sinh Hà Nội đã đạt kết quả xuất sắc trong các kỳ thi Olympic quốc tế ở các môn Toán học, Vật lý và Hóa học. Cả 5 học sinh Hà Nội dự thi Olympic quốc tế đều xuất sắc giành Huy chương Vàng, chiếm 5/12 Huy chương Vàng của đoàn Việt Nam.

Còn ở kết quả trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Hà Nội tiếp tục là địa phương có số điểm 10 nhiều nhất cả nước, với 2.286 điểm 10, chiếm 9,3% số điểm 10 của cả nước; có 17/100 thí sinh có tổng điểm các bài thi cao nhất cả nước. Đây là những con số cụ thể cho chất lượng giáo dục của Hà Nội những năm qua. Song song với mạng lưới trường lớp phát triển, thì thành tích của học sinh Thủ đô cũng tiến bộ hơn qua từng năm.

Kỳ cuối: Xứng đáng vị thế trung tâm giáo dục, đào tạo chất lượng hàng đầu cả nước

Hà Nội luôn giữ vị thế đứng đầu cả nước về giáo dục đào tạo cả ở giáo dục đại trà và giáo dục thành tích cao (Ảnh: P.T)

Không chỉ vậy, suốt hơn hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều đợt học sinh phải nghỉ đến trường, ảnh hưởng của đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ 27-4-2021 phức tạp, các trường của Hà Nội đã tạm đóng cửa hơn 4 tháng, nhưng việc dạy và học qua nhiều lần ứng biến đã chuyển đổi số nhanh hơn, nhuần nhuyễn hơn.

Mới đây, khi đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ làm việc với ngành giáo dục Hà Nội về việc dạy và học trong điều kiện học online, Thứ trưởng đánh giá ngành giáo dục Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, tiên phong, đổi mới trong công tác giáo dục, đem lại hiệu quả cao mà biểu hiện cụ thể là sự hứng thú của học sinh trong giờ học trực tuyến mà đoàn ngẫu nhiên chọn dự giờ. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Hà Nội tiếp tục phát huy những điểm đạt được đó, nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng.

Chia sẻ thêm về tình hình dạy học hiện nay của TP, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - Trần Thế Cương cho biết, 100% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT đang dạy học trực tuyến với 100% học sinh tham gia. Theo chỉ đạo chung của ngành GD&ĐT TP, các nhà trường đã tổ chức dạy học trực tuyến, chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo hình thức này, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Phương án tổ chức dạy học trực tiếp ngay khi dịch được kiểm soát, cũng được các trường sẵn sàng.

Phải cho thấy sự hiện diện mạnh mẽ của 4.0 trong giáo dục Thủ đô

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, Hà Nội là trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước. Thời gian qua, dấu ấn của 4.0 trong giáo dục Thủ đô có điểm nhìn thấy ngay. Phải kể đến sự chuyển đổi số nhanh nhẹn của ngành để học trực tuyến. “Hà Nội có đầy đủ các điều kiện để áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục. Nhưng cũng phải tính đến các nhóm đối tượng yếu thế, để các cháu có thể học được như các bạn” – GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: Đội ngũ trí thức của ở Hà Nội lớn mạnh, và họ làm việc ở các trường ĐH, các viện nghiên cứu rất nhiều, họ cũng có những niềm yêu mến và sẵn sàng góp sức cho Thủ đô. Riêng với giáo dục, Hà Nội luôn giữ vị thế đi đầu là một lợi thế, nhưng cũng cần sự đóng góp nhiều hơn của đội ngũ trí thức vào phát triển giáo dục, không hẳn chỉ là công việc dạy học, đào tạo con người, mà những sáng kiến, phát minh của họ giúp ích cho giáo dục cần được khuyến khích, nhân rộng. “Tôi cho rằng ngành giáo dục phải gắn chặt với khoa học công nghệ. Người học hiện nay phải nắm bắt khoa học công nghệ, nên giáo dục Hà Nội không thể tách rời khoa học công nghệ được. Phải cho thấy mạnh mẽ nhất sự góp mặt của công nghệ 4.0 trong dạy và học. Như các cháu học sinh bây giờ có thi khoa học kỹ thuật quốc tế là rất tốt, cần phải đẩy mạnh hơn. Thầy cô cũng cần có những phương pháp đổi mới dạy học phù hợp với 4.0” – GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ.

Còn PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lại cho rằng: Bất cứ một Thủ đô nào cũng có những quy định đặc thù riêng. Trên thế giới cũng vậy, Thủ đô của các nước thường có một vị trí pháp lý tương đối đặc biệt. Hà Nội là "trái tim của cả nước, đầu não chính trị- hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế" - Điều đó cần được thể hiện trong các văn bản pháp luật, kể cả trong Hiến pháp Việt Nam và trong địa vị đặc biệt của Thủ đô so với các đô thị khác. Những năm qua, rõ ràng việc có Luật Thủ đô đã giúp Hà Nội có thêm những cơ chế đặc thù để phát triển, ở vị trí là một đô thị đặc biệt, trong đó, giáo dục là một trong những lĩnh vực tận dụng tốt các cơ chế đặc thù đó. “Tuy nhiên cá nhân tôi cho rằng, Hà Nội cần thu hút nhân tài mạnh mẽ hơn nữa. Giáo dục của Hà Nội tạo ra những học sinh thành tích bậc cao, thì phải thu hút chính các học sinh ấy làm việc và giúp ích cho Thủ đô. Đó là tính bền vững trong việc đào tạo con người, phục vụ chính sự phát triển của Thủ đô và đất nước”- PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

8 năm qua, kể từ khi có hiệu lực, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết đã tạo cơ sở pháp lý ban đầu, góp phần huy động các nguồn lực phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại trên địa bàn Thủ đô. Trong lĩnh vực giáo dục, Hà Nội tiếp tục phát huy được vị thế là trung tâm giáo dục hàng đầu cả nước.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì phối hợp với TP.Hà Nội để lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, bộ, ngành, địa phương trong vùng Thủ đô đối với hồ sơ đề nghị; phấn đấu hoàn chỉnh trong tháng 12-2021 để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

Hà An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.