Vì sao khách hàng không “mặn mà” với tài sản thi hành án

Kỳ 4: Do một số chủ tài sản chưa làm hết trách nhiệm?

Một trong những lý do để cho tổ chức đấu giá thoải mái “đạo diễn” kết quả đấu giá, gây khó khăn cho khách hàng tham gia đấu giá là sự thiếu trách nhiệm trong việc giám sát quá trình bán đấu giá tài sản. Nhiều trường hợp khách hàng bức xúc phản ánh tới chủ tài sản nhưng…

Khách hàng bức xúc

Năm 2019 và 2020, PL&XH đã đăng tải loạt bài phản ánh về việc nhiều đơn vị tổ chức đấu giá “diễn xiếc” khi bán tài sản số 44 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội có giá khởi điểm gần trăm tỷ đồng, do Cục THADS TP Hà Nội là chủ tài sản. Chỉ trong một thời gian ngắn, có tới hơn ba đơn vị tổ chưc bán đấu giá tài sản này đều có hành vi cản trở, gây khó khăn, không bán hồ sơ cho nhiều khách hàng có nhu cầu mua tài sản khiến họ “nổi đóa” phản ánh tới chủ tài sản.

Tài sản số 44 Liễu Giai do Cục THADS TP Hà Nội làm chủ tài sản, nơi có tổ chức đấu giá tài sản vi phạm pháp luật.
Tài sản số 44 Liễu Giai do Cục THADS TP Hà Nội làm chủ tài sản, nơi có tổ chức đấu giá tài sản vi phạm pháp luật.

Những tưởng, khi nhiều khách hàng bức xúc kéo tới Cục THADS TP Hà Nội để làm rõ “trắng đen” thì tình trạng không bán hồ sơ sẽ được ngăn chặn. Song, cứ sau khi khách hàng phản ánh tình trạng vi phạm pháp luật của tổ chức đấu giá này tới chủ tài sản thì chỉ ít ngày sau lại có đơn vị khác ra thông báo bán đấu giá tài sản 44 Liễu Giai, thậm chí có tới hai tổ chức đấu giá tải sản cùng bán tài sản này trong cùng một thời điểm. Nhiều khách hàng nghi ngờ có sự “điều hành” của đại diện chủ tài sản đối với các tổ chức đấu giá thì họ mới ngang nhiên vị phạm pháp luật như vậy(!?). Chỉ đến khi CATP Hà Nội vào cuộc xác minh theo đơn tố cáo của khách hàng thì hành vi vi phạm pháp luật trên mới có dấu hiệu tạm dừng.

Vậy câu hỏi đặt ra là vai trò và trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự là chủ tài sản trong việc tổ chức, giám sát hoạt động của tổ chức đấu giá như thế nào? Trả lời câu hỏi này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết: Bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng và quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải thi hành án. Khi cơ quan thi hành án dân sự (chủ tài sản) có tài sản cần bán bằng hình thức đấu giá thì cần lựa chọn, ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức đấu giá bán tài sản.

Pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về đấu giá tài sản đã trao cho Chấp hành viên (đại diện cho chủ tài sản) quyền lựa chọn, ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá để thực hiện việc đấu giá tài sản thi hành án. Việc ký kết và thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, do vậy, Chấp hành viên cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản để được thực hiện một cách chặt chẽ, hợp pháp.

Vai trò và trách nhiệm?

Trong suốt quá trình tổ chức đấu giá, cơ quan thi hành án dân sự, mà cụ thể là Chấp hành viên phải có vai trò, trách nhiệm trong việc tổ chức, giám sát hoạt động của tổ chức đấu giá như sau:

Thứ nhất, Chấp hành viên phải kiểm tra việc thực hiện niêm yết của tổ chức đấu giá, bao gồm việc kiểm tra thời gian, địa điểm niêm yết và thông tin chính phải niêm yết theo quy định tại Điều 35, Luật Đấu giá tài sản.Đồng thời, Chấp hành viên phải yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết hoặc lập văn bản có xác nhận về việc niêm yết của UBND cấp xã. Chấp hành viên cần yêu cầu tổ chức đấu giá cung cấp các chứng cứ chứng minh việc mình đã thực hiện việc thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá.

Thứ hai, Chấp hành viên có trách nhiệm giám sát chặt chẽ hoạt động bán hồ sơ đấu giá, tiếp nhận hồ sơ đấu giá của tổ chức đấu giá.Khoản 2 Điều 38, Luật Đấu giá tài sản quy định: Tổ chức đấu giá bán hồ sơ đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính. Tuy nhiên trên thực tế, một số tổ chức đấu giá đã không thực hiện đúng quy định trên nhằm hạn chế người tham gia đấu giá. Trường hợp nhận được thông tin về việc tổ chức đấu giá vi phạm về việc bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, Chấp hành viên phải tiến hành kiểm tra và xử lý ngay, đây là căn cứ để Chấp hành viên có quyền hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.

Chuyên gia pháp lý này đưa ra đánh giá, nếu cơ quan thi hành án dân sự nói chung và Chấp hành viên, đại diện cho chủ tài sản thực hiện tốt công tác giám sát, kiểm tra kịp thời và kiên quyến xử lý những vi phạm của tổ chức đấu giá tài sản thì sẽ triệt tiêu được tình trạng cản trở, gây khó khăn, không bán hồ sơ cho khách hàng, đồng thời cũng giảm được tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu giá tài sản. Song, trên thực tế, có không ít trường hợp Chấp hành viên, Đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản có sự thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá…

Điều này khiến cuộc đấu giá tài sản không đảm bảo tính khách quan, minh bạch và cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng không còn “mặn mà” với tài sản thi hành án.

Kỳ 3: Các trường hợp được hoãn, hủy phiên đấu giá Kỳ 3: Các trường hợp được hoãn, hủy phiên đấu giá
Kỳ 2: Cản trở, không bán hồ sơ sẽ bị hủy kết quả đấu giá Kỳ 2: Cản trở, không bán hồ sơ sẽ bị hủy kết quả đấu giá
Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế” Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế”

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.