Vì sao khách hàng không “mặn mà” với tài sản thi hành án:

Kỳ 3: Các trường hợp được hoãn, hủy phiên đấu giá

Một trong những nguyên nhân khiến khách hàng có tâm lý e dè và không “mặn mà” với tài sản thi hành án là việc chủ tài sản và tổ chức đấu giá tài sản “tuỳ tiện” huỷ phiên đấu giá… ngay sát giờ dự kiến tổ chức phiên đấu giá.

Bán đấu giá là giai đoạn cuối cùng và quan trọng trong quá trình xử lý tài sản của người phải thi hành án để đảm bảo cho việc thi hành nghĩa vụ trả tiền trong THADS. Luật THADS năm 2014 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, trung thực, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, cản trở người tham gia đấu giá tài sản, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản Nhà nước.

Song, thời gian gần đây, có một số đơn vị tổ chức đấu giá đột ngột ra thông báo dừng phiên đấu giá ngay sát giờ dự kiến phiên đấu giá diễn ra dựa theo văn bản đề nghị của Chấp hành viên, đại diện cho chủ tài sản khiến nhiều khách hàng phải thất vọng ra về. Khi khách hàng yêu cầu cung cấp văn bản yêu cầu dừng phiên đấu giá của Chấp hành viên để biết rõ lý do và thực hiện quyền được yêu cầu bồi thường nhưng tổ chức đấu giá nhất quyết không đáp ứng. Trong khi đó, theo quy định của Luật THADS, để dừng tổ chức phiên đấu giá thì Chi cục trưởng Chi cục THADS cần phải ra quyết định đình chỉ hoặc hoãn THA, sau đó Chấp hành viên mới được ra thông báo yêu cầu dừng phiên đấu giá và đơn vị tổ chức đấu giá sẽ ra thông báo dừng tổ chức bán đấu giá tài sản gửi tới những khách hàng đã mua hồ sơ.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái: “Luật THADS và Luật Đấu giá tài sản đã đưa ra các quy định khá chặt chẽ về các trường hợp được hoãn, huỷ phiên đấu giá”
Luật sư Nguyễn Hồng Thái: “Luật THADS và Luật Đấu giá tài sản đã đưa ra các quy định khá chặt chẽ về các trường hợp được hoãn, huỷ phiên đấu giá”.

Trả lời câu hỏi về việc những trường hợp nào được hoãn, huỷ phiên đấu giá(?), Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, các trường hợp được hoãn phiên đấu giá là một trong những vấn đề nằm trong hoãn THADS được quy định cụ thể tại Điều 48, Luật Thi hành án dân sự năm 2014. Theo đó, có thể thấy các trường hợp hoãn phiên đấu giá được quy định như sau:

Trường hợp thứ nhất: Điểm b, khoản 1 Điều 48, Luật THADS năm 2014 quy định, Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời gian hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.

Do vậy, người được thi hành án muốn yêu cầu hoãn thi hành án phải đề nghị cơ quan THADS xem xét, quyết định và cũng phải có sự đồng ý của người phải thi hành án, không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác, không ảnh hưởng đến việc thi hành án. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan THADS sự ra quyết định hoãn phiên đấu giá trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án.

Trường hợp thứ hai: Khoản 2 Điều 48, Luật THADS năm 2014 quy định: “Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thất cần thiết”.

Theo đó, Thủ trưởng cơ quan THADS cũng có quyền ra quyết định hoãn phiên bán đấu giá khi nhận được được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế.

Theo Khoản 3 Điều 48 Luật THADS năm 2014 thì thời hạn ra quyết định hoãn thi hàn án là 5 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hoãn thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 48 của Luật này; Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn phiên đấu giá trong trường hợp người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Thời gian hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 3 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.

Mặt khác, khoản 5 Điều 101, Luật THADS quy định, trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá. Người phải thi hành án có trách nhiệm hoàn trả phí tổn thực tế, hợp lý cho người đăng ký mua tài sản sản. Đây cũng là một trong những căn cứ để hoãn phiên đấu giá sau khi có Quyết định của Thủ trưởng cơ quan THADS.

Luật THADS năm 2014 và Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định rõ ràng về các trường hợp được hoãn thi hành án; hoãn, huỷ phiên đấu giá tài sản. Song thời gian gần đây, có ít nhất hai đơn vị tổ chức đấu giá tài sản là Cty Đấu giá hợp danh Sao Việt và Cty Đấu giá hợp danh Trường Sơn đột ngột ra thông báo dừng tổ chức phiên đấu giá theo yêu cầu của Chấp hành viên ngay sát giờ đấu giá, có dấu hiệu chưa đúng quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ thông tin trong bài sau.

Kỳ 2: Cản trở, không bán hồ sơ sẽ bị hủy kết quả đấu giá Kỳ 2: Cản trở, không bán hồ sơ sẽ bị hủy kết quả đấu giá
Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế” Kỳ 1: Khách hàng không được làm “thượng đế”

Thái An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.