ĐH đa dạng phương thức xét tuyển, “nguồn” của khối CĐ, TCCN có quá hẹp?

Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến rất nhiều trường ĐH tuyển sinh bằng nhiều hình thức, trong đó, tăng trọng số của phương thức xét tuyển bằng học bạ. Chưa thi tốt nghiệp THPT năm 2021 mà nhiều trường đã có thí sinh trúng tuyển bằng các hình thức khác nhau. Vì thế, lại thêm một năm nữa các trường khối CĐ, TCCN lo lắng về nguồn tuyển đang hạn hẹp dần.

Tăng cường hình thức xét tuyển học bạ

Trường ĐH Luật Hà Nội dành 40% chỉ tiêu để xét tuyển theo học bạ. Cụ thể, trường dành 30% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh các trường THPT chuyên/năng khiếu, các trường THPT trọng điểm quốc gia chất lượng cao; 10% dành cho xét tuyển thí sinh các trường THPT khác; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) dành 40% trong tổng số hơn 7.000 chỉ tiêu ở 48 ngành đào tạo ĐH cho phương thức xét tuyển học bạ…

Mùa tuyển sinh năm nay, phương thức xét tuyển bằng học bạ tăng mạnh. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), đến thời điểm hiện tại trường đã nhận được hơn 6.000 nguyện vọng xét tuyển học bạ.

Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, số hồ sơ xét học bạ đã vượt 13.000, trong khi chỉ có 1.700 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển này. Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM nhận được 7.031 hồ sơ. Ở đợt nhận học bạ tiếp theo, số lượng cũng tăng rất nhanh. Đối sánh với tỷ lệ hồ sơ cùng thời điểm so với năm ngoái, năm nay tăng ít nhất 40%. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét học bạ đợt 1 năm 2021.

Đến thời điểm này, nhiều trường đã có thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông báo kết quả xét tuyển theo 4 phương thức là xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; Xét tuyển học sinh giỏi; Xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn; Xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (HUFI) vừa công bố điểm trúng tuyển của 2 phương thức xét tuyển xét học bạ THPT và xét điểm thi Kỳ thi ĐGNL với khoảng 1.600/3.500 chỉ tiêu vào trường năm nay. Với số hồ sơ xét tuyển theo 2 phương thức trên đã nộp về (khoảng 9.000), nhà trường gần như đã tuyển đủ thí sinh ở 2 phương thức này. Năm nay, HUFI chỉ dành khoảng 50% chỉ tiêu xét cho phương thức thi tốt nghiệp THPT.

ĐH đa dạng phương thức xét tuyển, “nguồn” của khối CĐ, TCCN có quá hẹp?
Ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với dự đa dạng hóa phương thức xét tuyển của các trường ĐH khiến khối trường TCCN và CĐ lo lắng về nguồn tuyển trong năm 2021 (Ảnh: cvct3.edu.vn)

Khối CĐ, TCCN lo lắng đầu vào

Từ những năm trước, nhiều trường CĐ, TCCN đã nói về khó khăn trong tìm kiếm nguồn tuyển. Bởi phần đông tâm lý của thí sinh vẫn là không đỗ ĐH mới tính đến các khối trường khác. Năm nay, xét tuyển bằng học bạ tăng cao, đã có thí sinh trúng tuyển, các trường ĐH lại cũng đã dạng phương thức xét tuyển khiến việc khối CĐ, TCCN lo lắng về nguồn tuyển là khó tránh khỏi.

Trọng số của xét tuyển học bạ tăng nghĩa là tỷ lệ còn lại của chỉ tiêu cho thí sinh dựa vào kết quả thi THPT quốc gia giảm xuống. Chưa kể, khối giáo dục ĐH những năm gần đây cũng có rất nhiều trường tỷ lệ thí sinh “ảo” đợt 1 khá cao, nên lại tiếp tục xét tuyển thêm đợt 2, khối CĐ, TCCN thường phải chờ các trường ĐH tuyển sinh xong hết mới đến lượt mình.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 - 2021, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, thí sinh tự do là 41.944 (chiếm 4,13%); thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT là 222.356 (chiếm 21,91%). Thí sinh chỉ xét tuyển sinh là 33.779 (chiếm 3,33%). Thí sinh xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh: 758.837 (chiếm 74,76%). Tổng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ hơn 3,8 triệu nguyện vọng.

Bộ GD&ĐT từ khi còn cân đối điểm sàn tuyển sinh cũng luôn tính đến trọng số dôi dư để đảm bảo nguồn tuyển cho các đợt, cho các hệ. Nhưng thực tế là số dôi dư không hẳn đã lựa chọn học CĐ, TCCN, nên vẫn có hiện tượng hàng năm các trường phải đau đầu tìm nguồn tuyển và đặt câu hỏi: “Thí sinh đang đi đâu?”.

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thắng, Phó phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM cho rằng: Một khó khăn nữa của các trường CĐ, TCNN là số hồ sơ “ảo” cũng rất cao. Và tình hình tuyển sinh năm nay sẽ tiếp tục là một năm sẽ rất khó dự đoán.

Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường TC Bách khoa TP.HCM cho biết: “5 năm về trước trường chúng tôi năm nào cũng tuyển được hơn 1.000 học sinh nhưng giờ chỉ còn được khoảng 400 - 500. Để tuyển được số lượng trên cũng phải tìm đủ hướng chứ không hề dễ dàng”.

Với tình hình dịch bệnh kéo dài qua 2 năm. Tuyển sinh khối ĐH cũng còn lo lắng vấn đề các thí sinh sẽ cân nhắc về tài chính khi đi học thì rõ ràng, khối CĐ, TCCN cũng sẽ gặp “khó”.

Trong cánh cửa hạn hẹp nguồn tuyển, giải pháp khắc phục duy nhất chính là chất lượng đào tạo và cam kết đầu ra của các trường, phải bằng công việc thực tế, mắt thấy tai nghe, thì việc thu hút thí sinh vào CĐ, TCCN mới hiệu quả.

Tuyển sinh ĐH năm 2021: Vẫn có tổ hợp xét tuyển lạ, nhiều trường đã có thí sinh trúng tuyển Tuyển sinh ĐH năm 2021: Vẫn có tổ hợp xét tuyển lạ, nhiều trường đã có thí sinh trúng tuyển

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp khiến các trường ĐH phải thay đổi phương thức tuyển sinh, các hình ...

Tuyển sinh ĐH năm 2021: Xét tuyển bằng học bạ tăng mạnh Tuyển sinh ĐH năm 2021: Xét tuyển bằng học bạ tăng mạnh

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn có diễn biến phức tạp, tuyển sinh ĐH năm nay có những phương thức thay đổi cho phù ...

Phan Thủy

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.