Hơn nửa thế kỷ trước, có một loại đồ chơi Trung thu rất thân thuộc với trẻ
em Hà Nội, đó là con giống bột. Dù là đồ chơi dành cho con trẻ, nhưng con
giống bột mang đặc trưng văn hóa Hà thành, đẹp ở sự tỉ mỉ, cầu kỳ, tinh tế
trong từng đường nét. Nghề làm con giống bột theo kiểu ngày đó gần như đã
thất truyền.
“Nhà nghiên cứu Trịnh Bách vốn nổi tiếng với các công trình nghiên cứu phục dựng
hiện vật, trang phục cung đình, với các bộ áo mão của vua chúa, và các vị trong
hoàng thất xưa trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, điều ông mong muốn nhất
vẫn là khôi phục đồ chơi truyền thống cho trẻ con Việt Nam.
"Lễ hội Trung thu thì ở các nước dùng Âm lịch đều có, nhưng chỉ riêng Việt Nam
gọi Trung thu là ngày Tết thiếu nhi, với những đồ chơi Trung thu cho trẻ em rất
phong phú, đầy màu sắc” – nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách chia sẻ.
Theo ông Bách, Tết trung thu ngày xưa, trẻ em không thể thiếu 3 món là bánh, con
giống bằng bột và đèn (nhiều loại). Việt Nam là đất nước độc nhất có tục lệ nặn
con giống bột làm đồ chơi trẻ em trong dịp Tết trung thu. Tục nặn con giống bột có
từ hàng trăm năm trước. Viện Viễn đông Bác Cổ hiện còn lưu giữ được ảnh những
con giống bột được chụp từ đầu thế kỷ 20, với chú thích là “Đồ chơi bằng bột
nhuộm màu của Tết trung thu Hà Nội”.
Đã nhiều năm, ông Trịnh Bách gần như đã bỏ cuộc trong việc khôi phục con giống
bột cho đến khi cơ duyên đã đưa ông đến với nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu. Năm
1998, khi đi dạo ở khu vực Nhà thờ Lớn Hà Nội, nhà nghiên cứu Trịnh Bách gặp
hai ông cháu đang nặn con giống bột. Đó là một trong những người giỏi nặn con
giống bột nhất ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, nơi mà người
dân thường gọi là “bánh chim cò”.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách hỏi về nặn con giống bột theo kiểu Hà Nội xưa và ông
rất chú ý đến cậu bé đứng bên cụ Hạ ngày ấy. Còn ít tuổi, nhưng cậu bé có khiếu
thẩm mỹ, có biệt tài nặn con giống. Đó chính là nghệ nhân Đặng Văn Hậu bây giờ.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách tìm được người để hiện thực hóa ước mơ khôi phục
những món đồ chơi xưa. Còn với Hậu, cậu được mở ra một “thế giới mới” - thế
giới con giống bột cổ truyền của người Hà Nội.
Theo lời kể của Đặng Văn Hậu, mặc dù đã nặn con giống bột từ lâu nhưng bản
thân người làng Xuân La cũng đã gần như không còn nặn con bánh chim cò mà
chuyển sang nặng con giống bột trên que tre mà người dân quen gọi là tò he từ
hàng chục năm nay. Khi mới bắt đầu, Hậu gặp không ít khó khăn khi chưa nắm
vững các kỹ thuật, Hậu nặn sai liên tục, thậm chí anh bỏ cả việc nặn con giống que
tre chỉ để ngồi cả ngày tỉ mẩn bên những con giống bột.
“Anh trai tôi lúc đó còn mắng suốt ngày, bảo tôi khôi phục để làm gì, có bán được
không, mất thời gian rồi bán được bao nhiêu tiền? Thế nhưng, vì quá yêu những
con giống bột, không muốn những món đồ chơi sinh động này chìm vào ký ức nên
tôi cứ cố làm cho đến giờ” – nghệ nhân Hậu chia sẻ.
Đến năm 2017, Hậu bất ngờ gặp được bà Phạm Thị Nguyệt Ánh, truyền nhân cuối
cùng của nghề nặn con giống bột ở Đồng Xuân. Hóa ra, để tạo được những chi tiết
nhỏ, tinh tế của con giống bột, bà Ánh phải có hẳn một bộ dụng cụ riêng. Sự nhiệt
tình của nghệ nhân trẻ, cái tâm của nhà văn hoá già đã lay động bà. Bà Ánh đã dạy
lại cho Hậu nhiều kỹ thuật nặn, nhất là cách sử dụng bộ dụng cụ tạo hình con
giống.
Kiến thức của nhà nghiên cứu Trịnh Bách, sự hỗ trợ của bà Phạm Thị Nguyệt Ánh
và tay nghề, niềm đam mê của nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu đã khiến những con
giống bột của Hà Nội xưa được hồi sinh…
Đến nay, con giống bột của nghệ nhân Đặng Văn Hậu làm được nhiều người yêu
thích và đặt hàng làm luôn tay, không chỉ Trung thu, Hậu giờ đây nặn con giống
bột quanh năm và luôn được đón nhận. Mùa trung thu năm 2022, Hậu chia sẻ, các
đơn đặt hàng đã được chốt từ trước đầu tháng và chỉ tập trung trả hàng, không nhận
đơn thêm.
“Đến bây giờ tôi vẫn còn đơn hàng 200-300 mẫu nữa, hầu hết đều là mẫu khó phải
tự tay nặn. Tôi cùng các học viên đang cố gắng nhưng có lẽ chỉ trả được ½ số
lượng hàng” – lời anh Hậu.
Thành công với việc khôi phục lại con giống bột nhưng điều khiến nghệ nhân trẻ
luôn đau đáu đó là sự nhầm lẫn lâu dài dẫn đến con giống bột đã bị mất tên toàn
hoàn và khó để có thể tìm lại tên cũ. Theo lời kể của Hậu, con giống bột vốn giữ
được tên gốc nhưng một sự nhầm lần năm 1990 đã khiến cái tên bị thay đổi hoàn
toàn.
Trong một ngày hội, cụ Đặng Văn Tố miệt mài nặn những con giống bột đầy màu
sắc, có một nhà báo đột nhiên hỏi "đây có phải tò he không?". Do quá đông nên cụ
Tố ậm ừ cho xong và cái tên tò he bắt đầu gắn với con giống bột từ đó.
Anh Hậu nói, năm 1990, sự sai lầm Tò he đã khiến nhiều cụ cao niên trong làng
Xuân La, Phú Xuyên rất tức giận bởi những sản phẩm đầy tâm huyết, màu sắc và
giá trị văn hoá lại bị nhầm thành một thứ đồ chơi ăn xổi và làm hàng loạt. Hiện tại,
tôi vẫn đang trong quá trình phục dựng lại những con giống bột đồ chơi. Tuy biết
rằng cái tên tò he đang là sai và rất muốn tìm hướng để trả lại tên cũ cho con giống
bột nhưng tò he đã là tên được mọi người biết đến và rất khó để có thể tìm lại được
tên cũ.
Con giống bột của Hà Nội xưa có dòng sản phẩm chính, một là dòng của Đồng
Xuân, hai là của Phố Khách - tức phong cách nặn bột do người Trung Quốc mang
sang. Con giống Đồng Xuân thường do các bà, các cô nặn khi đến mùa lễ tết, hay
khi nhàn rỗi. Đề tài thông dụng nhất của con giống bột trung thu Đồng Xuân được
lấy từ các loại vật nuôi và vật dụng gần gụi với con người thời xưa. Phổ biến nhất
là sáu con vật có ích với chủ nuôi. Tức là các con trâu, ngựa, lợn, dê, gà và chó.
Con giống Phố Khách cầu kỳ, tinh xảo hơn và còn được gọi là con giống vẩy. Đề
tài của các con giống Phố Khách thiên về thần thoại, thí dụ như nghê hý châu, sư
tử hý cầu, cá hóa long, con thiềm thừ (cóc 3 chân trên cung Trăng),... Các con
giống bột Hà thành được làm bằng bột hoành tinh trộn bột nếp, sau này bột hoành
tinh được thay bằng bột năng.
Ngoài ra, một phong cách khác được thừa nhận là con giống phong cách Phú
Xuyên. Theo đó, người Xuân La thường làm con giống nằm trên một “bệ” nhỏ
bằng tre, nứa gọi là “con bệt”. Mãi sau này người ta mới nghĩ ra cách làm con
giống trên que, dễ nặn, dễ chơi hơn, gọi là “con que”. Con giống Phú Xuyên có các
đường nét thô mộc, ngây ngô hơn so với con giống Đồng Xuân và Phố Khách.
Theo lời kể của Đặng Văn Hậu, “bánh chim cò” Phú Xuyên gần như cũng đã bị
lãng quên từ năm 1989 cũng đã hồi sinh mạnh mẽ. Nhưng theo Đặng Văn Hậu và
nhiều nghệ nhân ở làng, chỉ tiếc, cái tên dân dã “bánh chim cò” lại mất đi. Quãng
hai chục năm trước, một số báo chí gọi nhầm là “tò he”. Lâu ngày, cái sai ấy
thành… phổ biến.
“Tò he là một loại đồ chơi làm từ đất nung tại Hội An. Tại Phú Xuyên, người dân
nặn bánh chim cò rồi gắn thêm lưỡi gà có thể thổi kêu được như thế gọi là con tò
te. Có lẽ, người ta đã nhầm lẫn khái niệm giữa hai con và giờ thậm chí làng nghề
Xuân La cũng được gọi theo tên là làng nghề tò he. Mặc dù biết là sai nhưng do
thời gian đã quá lâu và đã thành khái niệm, tôi chỉ biết cách giữ tên gọi và tích cực
tuyên truyền để có thể lấy lại tên cho con giống bột” – Hậu cho biết.
Nhận thấy thị trường hiện nay chủ yếu là các con giống nặn hình siêu nhân hay các
nhân vật trong những bộ phim hoạt hình hiện đại, Hậu quyết tâm kết hợp hai
trường phái con giống Đồng Xuân và con giống phố Khách để cho ra những con
giống mang đậm chất dân gian mà nâng cao được tính thẩm mỹ.
Hậu bảo, những yếu tố truyền thống, dân gian giúp con giống tồn tại được lâu và
có thể giới thiệu với bạn bè quốc tế. Con giống không chỉ bộc lộ kỹ thuật và mỹ
thuật của người nghệ nhân mà còn thể hiện được những câu chuyện riêng của từng
nhân vật dân gian. Ví dụ điển hình như sự tích cóc ba chân hay bộ lục súc tranh
công...
Không chỉ sản xuất ra những con giống theo nhu cầu thị trường, Hậu mở lớp dạy
nghề cho trẻ em trong vùng. Anh nhận dạy học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Thế
nhưng kinh tế trong vùng dần khá giả hơn, trẻ em không mặn mà với việc nặn con
giống để kiếm thêm thu nhập, chỉ còn lại một ít người thực sự có niềm đam mê
mới bám trụ lại với nghề.
Hiện nay, các lứa học viên trẻ của Hậu liên tục được bổ sung và dần lọc ra những
nhân tố tốt nhất để truyền nghề. Không chỉ đào tạo miễn phí, Hậu còn trả lương
cho những học viên đó để tiếp tục giữ lửa nghề nặn con giống bột.
Việc phát triển theo hướng đi mới cũng khiến Hậu trăn trở. Để làm được những
con giống kết hợp cả hai trường phái đòi hỏi người thợ phải có tay nghề rất cao.
Đào tạo được phải ngồi kèm từng ly từng tý. Dù thợ đã rất giỏi nhưng phải mất
nhiều năm mới thành thục được cả hai trường phái, nên nhiều người bỏ dở giữa
chừng. Hậu từng ngỏ lời kết hợp với những nghệ nhân khác trong làng nhưng mọi
người chọn theo lối truyền thống...
Cùng với việc truyền lửa cho thế hệ sau, Hậu vẫn luôn kiến định với con đường
mình chọn khi làm bạn với những con giống bột thân thương, điều quan trọng mà
anh tâm niệm đó là giữ gìn những giá trị truyền thống văn hoá cho trẻ con. “Thích
nhất là khi tôi bán hàng ở phố cổ Hà Nội. Rất nhiều người đứng tuổi hét lên đầy
phấn khích rồi chỉ cho con cháu “đây này, ngày xưa mẹ chơi cái con giống này
này”. Lúc ấy tôi rất xúc động vì giá trị truyền thống vẫn ở đó, vẫn còn nhiều người
nhớ về con giống bột đúng với tên của nó” – giọng Hậu hào hứng.
Con giống bột từ một thứ đồ chơi lãng quên đã được làm sống lại. Một thứ đồ chơi
nhỏ bé, nhưng gói cả những nét tinh tế của người Hà Nội. Hành trình khôi phục
con giống bột như càng khẳng định rằng những nét đẹp văn hoá tuy thời có lúc
khác nhau nhưng sẽ vẫn luôn vững bền.