Phát triển nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Trần Hồng Thái đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn hiện nay còn hạn chế, cơ chế chính sách phát triển chưa có sự rõ ràng. Các DN như Viettel, hoặc các trường đại học cũng đã bắt đầu có những kế hoạch để thay đổi tình hình. Nhưng sự kết nối để tạo nên hệ sinh thái là chưa đầy đủ. Hệ sinh thái đó phải bắt đầu từ cơ quan quản lý Nhà nước, tiếp theo là từ các viện nghiên cứu, các trường đại học. Rồi từ khối DN, cuối cùng là từ các nhà khoa học và người dân.

Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, phó giáo sư Trương Việt Anh thông tin, hiện có 4 công ty có vốn nước ngoài đầu tư vào sản xuất bán dẫn ở Việt Nam. Nhân lực cần thiết để vận hành nhà máy sản xuất bán dẫn ở Việt Nam cần khoảng 10.000 kĩ sư mỗi năm. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Trương Việt Anh cho rằng, có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, bởi nhu cầu thị trường thay đổi theo chu kỳ ngắn và nhanh. Độ cạnh tranh và việc đầu tư khoa học công nghệ còn nhỏ lẻ, phần mềm máy móc đắt tiền, kinh phí đào tạo kỹ sư phần cứng cao, sinh viên ưu tiên lựa chọn các ngành phần mềm hơn.

Ở phía DN, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel, Nguyễn Hoàng Cương cũng cho biết, bên cạnh vấn đề công nghệ thì nhân lực là một mối quan tâm hàng đầu thường trực của lãnh đạo Viettel.

Để đào tạo nhân lực cho công nghiệp chip bán dẫn, phó giáo sư Trương Việt Anh kiến nghị, Bộ KH&CN cần có chương trình, nhóm nhiệm vụ độc lập cho các trung tâm nghiên cứu mạnh phát triển sản phẩm, công nghệ về công nghiệp bán dẫn, nội địa hóa sản xuất. Còn Phó Giáo sư Phạm Trần Vũ thì cho rằng, cần xây dựng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bậc đại học và sau đại học, phòng thí nghiệm và phát triển hợp tác quốc tế, DN về bán dẫn.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ bằng nhiều hình thức, trong đó có ưu tiên đề tài nghiên cứu chip bán dẫn. Thứ trưởng cũng đề xuất, các đơn vị cần tìm cách thu hút các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia các đề tài nghiên cứu, từng bước làm chủ công nghệ.

“Cần có định hướng rõ ràng về phát triển bán dẫn, ví dụ hỗ trợ trường đại học xây dựng các phòng thí nghiệm, quy hoạch sử dụng chung phòng thí nghiệm chất lượng cao để khắc phục những khó khăn trước mắt” - Thứ trưởng cho biết.

Hà Nội: Tạo điều kiện tối đa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển
Bộ trưởng Bộ TT&TT: Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn
Hà Nội ưu tiên phát triển, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.