Lý do bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo nhưng vẫn được giảm án?

TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm.
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại tòa sáng 4/4. Ảnh: P.V
Bị cáo Nguyễn Phương Hằng tại tòa sáng 4/4. Ảnh: P.V

Theo đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã tuyên giảm 3 tháng tù cho bà Nguyễn Phương Hằng, 4 đồng phạm còn lại mỗi người được giảm 6 tháng tù và bác toàn bộ kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Đối với bà Nguyễn Phương Hằng, dù không kháng cáo, nhưng sau khi bào chữa cho các bị cáo trong vụ án, luật sư của 3 bị cáo này cũng xin HĐXX phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bà Hằng. Theo luật sư, sau phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Phương Hằng đã nộp tiền bồi thường thiệt hại, tiền án phí dân sự sơ thẩm, nên đề nghị tòa phúc thẩm xem xét hình phạt dưới 3 năm tù đối với bà Hằng.

HĐXX cấp phúc thẩm chấp nhận đề nghị của luật sư, giảm hình phạt cho bà Nguyễn Phương Hằng từ 3 năm tù xuống còn 2 năm 9 tháng tù; giảm cho Đặng Anh Quân từ 2 năm 6 tháng tù xuống còn 2 năm tù; các bị cáo Huỳnh Công Tân, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà từ 1 năm 6 tháng xuống còn 1 năm tù.

Vậy tại sao bà Nguyễn Phương Hằng đã chấp nhận bản án sơ thẩm, không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng vẫn được tòa tuyên giảm án?

Theo nhận định của HĐXX phúc thẩm, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" là có cơ sở, không oan. Hành vi của các bị cáo ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Khi xét xử sơ thẩm, tòa đã áp dụng đúng các tình tiết giảm nhẹ đối với các bị cáo.

HĐXX nhận định, dù bị cáo Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nhưng bị cáo đã nộp tiền án phí, khắc phục hậu quả nên đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là có căn cứ. Từ đó, HĐXX áp dụng Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, giảm một phần hình phạt cho bà Nguyễn Phương Hằng.

Tại khoản 3 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Trường hợp có căn cứ, HĐXX phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị”.

Như vậy, HĐXX cấp phúc thẩm tuyên giảm án cho Nguyễn Phương Hằng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Bà Nguyễn Phương Hằng không kháng cáo, chấp nhận mức án 3 năm tù
Tiếp tục đề nghị truy tố hai bị can Hàn Ni, Trần Văn Sỹ
Lý do hoãn xem xét kháng cáo trong vụ án liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng?

Đ.P

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.