Hỗ trợ chủ thể OCOP làm quen với “số hóa”

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2021 - 2025, việc đẩy mạnh hoạt động xây dựng thương hiệu, tuyên truyền quảng bá và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP trên phương tiện số là một trong những giải pháp trọng tâm của chương trình.
Nông dân thu hoạch bưởi tại Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy
Nông dân thu hoạch bưởi tại Phú Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: Khánh Huy

Được biết, vừa qua, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp đã ký kết hợp tác chiến lược với nền tảng tiktok Việt Nam nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số cho chương trình OCOP quốc gia. Hợp tác này đã mở ra nhiều cơ hội cho các chủ thể OCOP trên cả nước khi phát triển kênh tiêu thụ trên nền tảng thương mại điện tử.

Trong năm 2023, sáng kiến Chợ phiên OCOP nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và tiktok Việt Nam đã thành công mang sản phẩm OCOP cùng nông đặc sản địa phương quảng bá đến đông đảo cộng đồng trên tính năng thương mại điện tử tiktok shop.

Sau một năm triển khai, chương trình đã đi qua 38 tỉnh thành, bằng sự nỗ lực hợp tác giữa các đơn vị tổ chức và sự đóng góp chung tay của cộng đồng, các chiến dịch Chợ phiên OCOP đã góp phần mang lại những tác động tích cực đối với kinh tế địa phương và ngành nông nghiệp.

Các chủ thể OCOP tham gia chương trình sẽ được đào tạo về kỹ năng kinh doanh số thông qua các lớp đào tạo chuyên môn về cách xây dựng nội dung video ngắn, về cách thức livestream bán hàng, về bộ giải pháp quảng cáo sáng tạo tiktok for business, đồng thời thiết lập trang bán hàng riêng cho sản phẩm OCOP cùng với sự đồng hành xuyên suốt của đội ngũ hỗ trợ, kèm theo đánh giá và hướng dẫn tối ưu vận hành shop định kỳ.

Trong giai đoạn thử nghiệm 2023, chương trình đã ươm mầm thành công hàng trăm DN, chủ thể OCOP đi từ những phiên livestream “0 đồng” đến phiên livestream “trăm triệu”.

Đặc biệt, từ đầu năm 2024, trên nền tảng tiktok đã có riêng một tab riêng mang tên “Tự hào hàng Việt" nằm trong Trang mua sắm (Shopping Center) nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao, đồng thời hỗ trợ các nhà bán trong nước có thêm các ưu đãi về lưu lượng, chiết khấu và không gian để quảng cáo sản phẩm của mình. Tại Hà Nội vào cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Hoài Đức, Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức “Ngày hội Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam năm 2024”, thu hút khoảng 1.000 thanh niên, gia đình chính sách và người dân tham gia.

Chương trình được tổ chức nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với đối tượng chủ yếu hướng tới là đoàn viên thanh niên và Nhân dân Thủ đô. Tại ngày hội, Ban Tổ chức đặc biệt khuyến khích các hình thức đổi mới, chuyển đổi số thông qua việc bán hàng kinh doanh sản phẩm OCOP qua hình thức trực tuyến (livestream) tại các gian hàng.

Ban Tổ chức kỳ vọng ngày hội có thể khuyến khích đoàn viên, thanh niên, các công ty, hộ kinh doanh… tích cực sử dụng chuyển đổi số thông qua việc livestream bán hàng và tuyên truyền tới tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục phát huy tinh thần tiên phong, xung kích, bằng những việc làm, hành động thiết thực để tuyên truyền, vận động, đồng hành cùng Nhân dân sử dụng hàng hóa sản xuất nội địa.

Hà Nội sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới (sản phẩm từ ý tưởng); sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương; thúc đẩy;...

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ hỗ trợ bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) giúp các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng nhận diện, kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP của Hà Nội cũng như các tỉnh thành phố trong cả nước. Ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện tiktok tại Việt Nam cho biết: “Bước sang năm 2024, OCOP vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của tiktok, với các hoạt động đồng hành, đào tạo và hỗ trợ dài kỳ và sâu sát hơn nữa nhằm hỗ trợ DN địa phương phát triển kinh doanh trên nền tảng số. Đây sẽ là mốc tiếp theo hứa hẹn mở ra những kết quả tích cực hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời tạo đà xúc tiến cho các giá trị văn hoá địa phương lan tỏa rộng khắp trong và ngoài nền tảng”.

Từ đầu năm 2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) thành phố Hà Nội năm 2024.
Hà Nội công nhận 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2023
Huyện Phúc Thọ: đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP tiềm năng
Thể hiện giá trị văn hóa bản địa kết tinh trong sản phẩm OCOP

Ngô Sơn

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.