Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025: sẽ hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm theo kiểu cũ

Năm 2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025: sẽ hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm theo kiểu cũ
Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Chiều 11/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được triển khai bảo đảm tính kế thừa như môn Ngữ văn hình thức tự luận, các môn còn lại hình thức trắc nghiệm; giữ một phần dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Ngoài ra, còn phát triển về nội dung để phù hợp với thực tế triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 như thêm các dạng trắc nghiệm mới để hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đồng thời thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, giảm bớt khối lượng và sai sót công việc trong tổ chức thi.

Các câu hỏi với môn thi trắc nghiệm được chia thành 3 phần. Trong đó, phần 1 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn, phần 2 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng đúng/sai, phần 3 gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm dạng trả lời ngắn.

Với đề Ngữ văn, thí sinh sẽ thi trong thời gian 120 phút, gồm hai phần đọc hiểu và viết.

Các môn còn lại có ba phần, trong đó môn Toán có thời gian làm bài 90 phút, những môn còn lại có thời gian làm bài 50 phút. Phần I gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm với 4 phương án; yêu cầu thí sinh chọn một đáp án đúng. Thí sinh được 0,25 điểm nếu làm đúng mỗi câu.

Phần II gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm đúng/sai. Mỗi câu hỏi có 4 ý, tại mỗi ý, thí sinh lựa chọn đúng hoặc sai. Chọn chính xác, thí sinh sẽ được 0,1 điểm một câu; 0,25 điểm nếu đúng hai câu; 0,5 và 1 điểm nếu làm đúng 3 và 4 câu.

Phần III gồm các câu hỏi ở dạng thức trắc nghiệm trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án. Với môn Toán, mỗi câu đúng, thí sinh được 0,5 điểm; các môn khác là 0,25 điểm. Tổng điểm tối đa toàn bài thi trắc nghiệm là 10.

Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm 2025 hạn chế các nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn theo kiểu cũ trước đây; thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới; xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn Toán), 2,35 điểm (với môn Lý, Hóa, Sinh,...).

Với dạng câu hỏi đúng/sai giúp kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi, kết hợp với quy tắc tính điểm tạo nên tính phân loại rất cao. Ở dạng trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận.

Với tính toán như hiện nay, Bộ GD&ĐT cho rằng đề thi tốt nghiệp năm 2025 giúp giảm bớt khối lượng và sai sót công việc tổ chức thi, giảm số tờ giấy thi, giảm bớt rủi ro khi in ấn và ghép tờ đề thi.

Các môn thi chỉ tối đa 4 trang giấy A4, từ đó giảm bớt được khối lượng công việc, giảm bớt rủi ro in sao, ghép tờ đề thi thuận lợi hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, thay vì xây dựng câu hỏi thi theo tính bảo mật, khép kín như hiện nay, ngân hàng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có tính mở, xây dựng trên cơ sở phát huy trí tuệ toàn ngành.

Cụ thể, các nhà trường, địa phương có những câu hỏi hay, tốt sẽ được gửi về Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT sẽ có bộ phận đánh giá chất lượng câu hỏi bằng lý thuyết khảo thí, gửi ngược trở lại cho các Sở GD&ĐT, góp phần giúp lãnh đạo địa phương đánh giá chất lượng dạy, học và biên soạn đề thi.

Cụ thể, các đơn vị sẽ gửi đề thi kèm kết quả chấm để cơ quan chuyên môn của Bộ GD&ĐT phân tích đề thi bằng lý thuyết khảo thí. Sau phân tích, các câu hỏi “tốt” sẽ được lựa chọn vào thư viện câu hỏi thi và từ đó có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà thông tin, một điều rất quan trọng mà Bộ GD&ĐT cũng đã tính toán là việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 sẽ đáp ứng 36 tổ hợp để cho thí sinh lựa chọn, thay vì 2 tổ hợp Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên như trước nay.

Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, công tác kiểm tra, đánh giá, công tác khảo thí nói chung và công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT luôn là việc khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, áp lực, đòi hỏi có nhân lực, vật lực, phối hợp từ chuyên môn đến đảm bảo an ninh cho đề thi.

Việc xây dựng đề thi, tổ chức kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần hướng tới học thật, thi thật, không gây quá tải, không gây áp lực, đảm bảo khoa học, gắn với thực tiễn và hiệu quả.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Những vật dụng cấm mang vào phòng thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024: Những vật dụng cấm mang vào phòng thi

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.