Chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam

Ngày 7/3, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị”. Sự kiện do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức.
Chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam
Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng cho biết, hiện nay, với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Ảnh: CPV

Đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Công Dũng cho biết, hiện nay, với quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, cùng với thói quen sinh hoạt và ý thức của con người khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, trở thành vấn đề đáng lo ngại. Bởi vậy, giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại các đô thị là việc làm cấp bách mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, ô nhiễm môi trường để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các bệnh hiểm nghèo, lây lan dịch bệnh, làm mất cân bằng hệ sinh thái... Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây thiệt hại đến mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và sự phát triển của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề ô nhiễm hiện nay, Đảng, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm giải quyết vấn đề này thông qua việc đổi mới căn bản các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương đã phối hợp cùng với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiều giải pháp thông qua các dự án, các chương trình hành động cụ thể trong đó có chương trình “Đô thị giảm nhựa” trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” - một sáng kiến của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đang mang lại những mô hình hay, thực hành tốt, đem đến các kết quả tích cực được ghi nhận và nhân rộng tại nhiều địa phương.

Các hoạt động của dự án trong thời gian qua chính là những đóng góp hiệu quả, thiết thực cho việc triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương và Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Tọa đàm trực tuyến “Mô hình, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị” được tổ chức nhằm đánh giá tổng thể và toàn diện về thực trạng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và những tồn tại, khó khăn và thách thức ở Việt Nam trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị các giải pháp hiệu quả, nhằm mục tiêu quản lý tốt hơn chất thải rắn sinh hoạt và giảm chất thải nhựa tại các đô thị, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong thời gian tới.

Chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam
Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, ở Việt Nam do sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại đô thị phát sinh ngày càng nhiều. Ảnh: CPV

Ông Phan Xuân Thủy - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, ở Việt Nam do sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số diễn ra mạnh mẽ đã tạo áp lực lớn tới môi trường khi lượng chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa tại đô thị phát sinh ngày càng nhiều. Theo thống kê, Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị.

Điều đáng nói, chất thải nhựa ở Việt Nam không chỉ phát sinh nhiều, mà đa phần đều bị thải trực tiếp cùng các loại chất thải khác và không được phân loại. Điều này càng gây khó khăn cho công tác phân loại, xử lý tái chế và giảm rác thải nhựa tại các địa phương. Trong khi đó, chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam khi tốc độ gia tăng lượng chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2021 - 2030 trung bình là 6%/năm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên 70% lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hằng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các TP lớn.

Ngoài ra, trong số 30% được xử lý bằng phương pháp không chôn lấp thì cũng có đến 2/3 là được đốt tiêu hủy bằng các lò đốt rác thủ công, gây khói bụi ô nhiễm không khí. Việc kiểm soát, quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, dẫn đến nguy cơ gây ra tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy, giảm thiểu rác thải nhựa là một trong những hoạt động quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường và không thể tách rời với công tác quản lý rác thải sinh hoạt nói chung. Cùng với đó là việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam đó là những giải pháp quan trọng bảo vệ môi trường cho tương lai, phù hợp với Luật Bảo vệ Môi trường Việt Nam 2020”.

Chúng ta đang gánh chịu những chi phí ngoại vi phát sinh từ hệ thống sản xuất và tiêu dùng nhựa chưa phù hợp

Theo ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cần có chính sách để tái chế, tái sử dụng chất thải rắn sinh hoạt. Phần lớn các chất này đều có thể tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng và chôn lấp. Nếu việc chôn lấp được thực hiện đúng quy cách cũng có thể tạo ra tài nguyên không gian.

Chất thải rắn là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam
Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Ngoài ra theo ông Tạ Đình Thi, Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện lồng ghép kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển, quản lý, tái sử dụng, tái chế. Tư duy về kinh tế tuần hoàn này cũng được lồng ghép trong các điều, khoản khác như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP), mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR), phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường.

Việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt được chú trọng giải quyết ngay tại nguồn, việc giảm thiểu, phân loại, tái chế, tái sử dụng và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 75 và khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Mặt khác, chúng ta cũng đang tích cực tham gia đàm phán, xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa nhằm mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam, trên cơ sở quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các quy định của pháp luật hiện hành. Ông Thi cho hay: “Như vậy vấn nạn rất rõ, mấu chốt là làm sao đưa chính sách pháp luật, và đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào cuộc sống”, .

Liên quan việc sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ chất thải, cụ thể là chất thải nhựa đang gây những tác động tiêu cực đáng kể, ông Văn Ngọc Thịnh - Tổng Giám đốc WWF cho biết: Ô nhiễm nhựa có thể nói là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Do có nhiều ưu điểm và công dụng khác nhau nên nhựa ngày càng được sử dụng rộng rãi trong hàng triệu ứng dụng. Ước tính giá thị trường mà các nhà sản xuất chi trả cho nhựa nguyên sinh năm 2019 là khoảng 370 tỷ đô la Mỹ - một mức giá được cho là khá rẻ.

Tuy nhiên theo nghiên cứu của WWF, lý do chi phí nhựa rẻ như hiện nay là bởi chưa bao gồm những chi phí phát sinh do tác động tiêu cực trong suốt vòng đời của nhựa.

Ngoài ra, mức chi phí tối thiểu theo vòng đời của nhựa cao hơn nhiều so với giá thị trường, và chúng ta đang gánh chịu những chi phí ngoại vi phát sinh từ hệ thống sản xuất và tiêu dùng nhựa chưa phù hợp hiện nay.

Theo ông Văn Ngọc Thịnh, với việc có nhiều mục đích sử dụng, có độ bền cao, đồng nghĩa với việc những chi phí ngoại vi này sẽ phát sinh trong thời gian dài. Nhựa mất hàng trăm đến hàng nghìn năm để phân huỷ hoàn toàn và khi phân rã ra sẽ phân huỷ thành hạt nhựa siêu nhỏ. Điều này khiến nhựa khó thu hồi và loại bỏ một khi chúng bị thải vào môi trường. Do vậy, cuộc khủng hoảng về nhựa thực sự khác biệt với các vật liệu khác vốn cũng có các chi phí ngoại vi không bao gồm trong giá thị trường của chúng...

Chia sẻ về các giải pháp và công tác quản lý chất thải rắn tại địa phương, Tổng Giám đốc WWF tại Việt Nam cũng cho biết: WWF cũng như các tổ chức khác đã phối hợp và hỗ trợ nhiều địa phương triển khai các dự án, mô hình, giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, thu gom, phân loại - xử lý rác, tăng tỷ lệ thu hồi rác tái chế; tích cực tuyên truyền, giáo dục... trong thời gian qua.

Các Dự án của WWF với các địa phương, bên cạnh việc hỗ trợ triển khai các quy định và chính sách tại địa phương, cải thiện hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nhựa, WWF cũng đã tập trung vào việc xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình và giải pháp dựa vào nguồn lực của cộng đồng.

Phân vùng chức năng để quản lý, khai thác không gian ngầm Phân vùng chức năng để quản lý, khai thác không gian ngầm

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.