Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng:

Cần sửa đổi để phù hợp hơn với thực tế

Sau hơn 10 năm kể từ khi ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, đến nay chính sách đã phát huy vai trò trong việc thành công điều hành thị trường vàng và ổn định tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên, diễn biến thị trường vàng hiện nay đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Nghị định này để phù hợp hơn với thực tế.
Khách hàng đang giao dịch vàng tại Bảo tín Minh Châu, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội.		Ảnh: Khánh Huy
Khách hàng đang giao dịch vàng tại Bảo tín Minh Châu, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Nhiều bất cập, tồn tại

Sau hơn một thập kỷ áp dụng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng (Nghị định 24) đã cho thấy những bất cập, tồn tại dẫn đến khoảng cách giá vàng thế giới và trong nước ngày một gia tăng…

Do đó, việc sửa đổi Nghị định này được cho là vấn đề cần thiết nhằm đưa thị trường vàng về trạng thái bình thường liên thông với thị trường thế giới. Các chuyên gia đã nhìn nhận, việc phá thế độc quyền vàng được cho là một trong những giải pháp quan trọng giúp thị trường vàng vận hành bám sát hơn với thế giới, tạo lập một môi trường kinh doanh bình đẳng.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Đinh Nho Bảng, Nghị định 24 ra đời đã phù hợp, và có tác dụng rất tốt, ổn định lại thị trường vàng và kiểm soát tốt việc sản xuất kinh doanh vàng miếng. Đồng thời, về mặt chủ trương thì khuyến khích sản xuất trang sức mỹ nghệ… Tuy nhiên, diễn biến thị trường vàng hiện nay với kiểu “một mình một chợ” đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi Nghị định này để phù hợp hơn với thực tế theo hướng tránh “tiền tệ hóa” vàng SJC.

GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, việc chúng ta vẫn đang duy trì Nghị định số 24 trong đó có quy định "Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng" đã khiến nảy sinh nhiều bất hợp lý.

Vàng ngoài độc quyền thì lẽ ra vẫn phải sản xuất, phải cung ra, nhưng trên thực tế thì hầu như không có chuyện sản xuất thêm vàng miếng. Trong khi tâm lý của người dân là tích trữ vàng để phòng rủi ro, do đó đương nhiên dân chọn vàng SJC để tích lũy. Cung không có mà cầu có thì sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng.

Do vậy, GS. Cường cho rằng, trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý vàng, phải sửa đổi quy định Nghị định số 24. Không nhất thiết phải độc quyền nhà nước về một thương hiệu vàng, thay vào đó có thể cho nhiều DN tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm khiến giá vàng bị đẩy lên.

Đảm bảo ổn định thị trường vàng

Để đảm bảo thị trường vàng phát triển ổn định và bền vững, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải Nhà nước phải tạo điều kiện để các DN có đủ năng lực, điều kiện sản xuất vàng trang sức một cách thuận lợi, có nguyên liệu chính thống để đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo sự liên thông giữa thị trường trong nước và thế giới để hạn chế những bất cập trên thị trường trong nước hiện nay.

“Nếu cho kinh doanh vàng mà chưa gắn với điều chỉnh nguồn cung thì chưa xử lý được vấn đề chênh lệch giá. Do đó, cần mở rộng từ phía nguồn cung” - ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc TPBank nói.

Còn theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính, cần sớm cho phép Sở Giao dịch hàng hóa giao dịch mặt hàng vàng kỳ hạn thông qua hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Nhà đầu tư không cần cầm vàng hoặc mang vàng về mỗi lần giao dịch mà có thể ký gửi tại các Trung tâm lưu ký. Giá mua bán được ghi trên số tài khoản vàng của khách hàng, họ có thể biết ngay lãi hay lỗ khi giá vàng tăng, giảm. Điều này sẽ không phải tốn kém chi phí để nhập vàng vật chất về bán cho dân.

Trước đó, tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: “chúng tôi đang xem xét việc độc quyền vàng miếng SJC có còn cần thiết không. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng không cần thiết phải độc quyền SJC hay cần thiết phải có nhiều thương hiệu vàng khác. Tuy nhiên, dù chỉ có độc quyền nhãn hiệu vàng miếng SJC hay nhiều loại vàng khác thì mục tiêu cuối cùng là phải đạt được là vấn đề quản lý nhằm ổn định thị trường vàng miếng, không ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân".

"Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng và không bảo hộ giá cả của các tổ chức kinh doanh vàng miếng. NHNN cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới NHNN sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi" - Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp quản lý thị trường vàng
Vàng có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khi bitcoin ETF được phê duyệt
Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.