Chuyển đổi số ngành Tư pháp: nâng cao chất lượng dịch vụ công

Thời gian qua, TP Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đề ra nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số Ngành Tư pháp nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, DN…
Quận Hoàn Kiếm hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng hình thức xây dựng video báo cáo công tác tại lễ hưởng ứng. 	Ảnh: Bạch Dương
Quận Hoàn Kiếm hưởng ứng Ngày Pháp luật bằng hình thức xây dựng video báo cáo công tác tại lễ hưởng ứng. Ảnh: Bạch Dương

Năm qua, TP Hà Nội hoàn thành triển khai việc ký số văn bản; duy trì việc sử dụng trang thông tin, các phần mềm quản lý văn bản, cuộc họp. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 26/2/2021 của UBND TP Hà Nội về số hóa sổ hộ tịch, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hoàn thành trước năm 2025.

Sở Tư pháp TP Hà Nội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các các quận, huyện, thị xã thực hiện số hóa sổ hộ tịch. Theo báo cáo của Sở, tính đến ngày 14/11/2023, hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch có hơn 2.684.133 hồ sơ hộ tịch của TP gồm: khai sinh: 1.931.637 hồ sơ; Kết hôn: 366.587 hồ sơ; Khai tử: 228.474 hồ sơ, hồ sơ khác: 157.435.

Các quận, huyện hoàn thành công tác số hóa bao gồm: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thanh Oai. Trên cơ sở kết quả số hóa hộ tịch, UBND TP phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Công an chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định.

Việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật của TP vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật được thực hiện thường xuyên (cập nhật văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực thi hành do HĐND và UBND TP Hà Nội ban hành vào Cơ sở dữ liệu Quốc gia về pháp luật là 37/37 văn bản đã ban hành (12 Nghị quyết; 25 Quyết định); bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện chuyển đổi, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam ISO 9001:2015 được quan tâm bố trí theo quy định.

Đồng thời, bố trí kinh phí, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước TP tổ chức phiên tòa trực tuyến (2,484,680,000 đồng); các trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm tham gia 102 phiên tòa xét xử trực tuyến.

Thực hiện Kế hoạch số 335/KH-UBND ngày 21/12/2022 về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” trên địa bàn TP, hầu hết các Sở, ngành và quận, huyện, thị xã đều ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để triển khai tại đơn vị, địa phương mình.

Năm 2023, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục, pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở cơ sở, Cổng/Trang thông tin điện tử của các đơn vị; đẩy mạnh phối hợp cơ quan truyền thông, báo chí của Trung ương và Hà Nội tuyên truyền pháp luật: Ấn phẩm Pháp luật và Xã hội (Báo Kinh tế & Đô thị)…

Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP đã đăng tải trên 4.000 tin,bài; đẩy mạnh, tuyên truyền mang tính chất vừa sâu, vừa rộng với lượng truy cập khoảng 13.000-15.000 người truy cập/1 ngày.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng đã tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 24/3/2023 tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến” trên địa bàn TP; Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 24/3/2023 tổ chức Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” trên địa bàn TP. Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” được tổ chức dưới hình thức xây dựng video.

Lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các cuộc thi thể hiện sự sáng tạo, bứt phá trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật của TP. việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình led tại các nhà cao tầng, khu đô thị tiếp tục được duy trì…

TP Hà Nội xác định chuyển đổi số ngành Tư pháp là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành Tư pháp.
Đổi mới phương thức và tiếp tục tăng cường hiệu quả các công tác tư pháp
Ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số
Ngành Tư pháp Thủ đô Hà Nội: Nâng cao chất lượng cải cách hành chính

B.A

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.