Hà Nội ưu tiên phát triển, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn

TP Hà Nội định hướng và nhất quán quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hà Nội ưu tiên phát triển, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Ảnh: P.V
Hà Nội ưu tiên phát triển, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Ảnh: P.V

Luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Là trung tâm kinh tế và hội tụ nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ bên cạnh những tiềm năng to lớn, đa dạng và vị trí trung tâm đồng bằng sông Hồng nên TP Hà Nội có điều kiện tổng hợp cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở đào tạo và hạ tầng đang từng bước cải thiện, hiện đại hóa cũng là một trong những lợi thế để hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án có hiệu quả…

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết, trong những năm qua, TP Hà Nội đã có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP.

Theo đó, Hà Nội đã có định hướng và nhất quán quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó ưu tiên tiếp nhận các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội luôn sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để triển khai các dự án như tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, cũng như đảm bảo cung cấp các dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện, nước, xử lý nước thải, chất thải cũng như dịch vụ logistics.

Đồng thời, TP Hà Nội tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho vận hành các dự án đầu tư.

Theo cơ chế hiện hành của TP Hà Nội, lĩnh vực công nghiệp sẽ thực hiện các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, áp thuế 5% trong 9 năm tiếp theo và lên mức 10% trong 15 năm sau đó.

Hà Nội cũng miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định với các nguyên liệu, vật tư cũng như các linh kiện để thực hiện dự án đầu tư theo danh mục.

“Ngoài ra, Hà Nội còn có chính sách miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất đồng thời sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Cùng với đó, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp về kết nối, xúc tiến thương mại, dịch vụ logistics cũng như đăng ký thương hiệu sản phẩm cũng như hỗ trợ tham gia hội trợ triển lãm” - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, Hà Nội có 72 cơ sở giáo dục, trung tâm đào tạo, trong đó, một số địa chỉ có thể bảo đảm cho việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao về một số ngành/lĩnh vực gồm điện tử, tin học, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa. Một số trường như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… đã có nhiều năm đào tạo nhân lực để tham gia các dự án sản xuất chíp bán dẫn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với vị thế trung tâm, hạ tầng đồng bộ, nhân lực tập trung, cơ chế chính sách đặc thù… TP Hà Nội có nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài.

Tính đến nay, TP Hà Nội đã quan hệ hợp tác với 116 quốc gia và vùng lãnh thổ, số dự án có hiệu lực là 7.226 dự án, với tổng vốn đăng ký là 62,5 tỷ USD (đứng thứ 2 cả nước). Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2023, TP Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đạt 2,6 tỷ USD.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Don Lam - Đồng Sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết: "TP Hà Nội có nhiều thuận lợi để phát triển ngành sản xuất chip bán dẫn, xây dựng hệ sinh thái như tập trung nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu cùng đông đảo nguồn nhân lực trẻ năng động và sáng tạo, sẵn sàng tiếp cận và phát triển lĩnh vực chip bán dẫn khi được đầu tư và chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài.

Chúng tôi thấy, đây là thời cơ lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài cho sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn. Với sự quan tâm của các doanh nghiệp, hy vọng, đầu năm 2024 sẽ có ít nhất 5 doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư trực tiếp vào TP Hà Nội để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn".

Tại cuộc làm việc với đoàn doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá, ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm; chủ trương thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp này.

Liên quan đến lĩnh vực chíp bán dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng đây là ngành công nghiệp rất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

"Hàng nghìn héc ta đất sạch của Hà Nội đã sẵn sàng. Chúng tôi cũng sẽ chuẩn bị đầy đủ những điều kiện tốt nhất để thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực này đến với Hà Nội…" - ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Hà Nội luôn chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, triển khai dự án phù hợp với định hướng chung, trong đó, chú trọng ngành công nghệ cao, sản xuất chip bán dẫn kết hợp từng bước nghiên cứu, phát triển sản phẩm bán dẫn.

Ngoài ra, TP chuẩn bị sẵn sàng tối đa cho dự án mới, từ mặt bằng tại các khu công nghiệp, hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, đơn giản hóa thủ tục hành chính đến cung cấp nguồn nhân lực…

Nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn, UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Danh mục dự án xúc tiến đầu tư làm cơ sở kêu gọi, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước nghiên cứu;

Thường xuyên kết nối với các công ty, tập đoàn có nhu cầu đầu tư tại Hà Nội để tiếp thu các đề nghị, giải đáp vướng mắc, hỗ trợ thủ tục và các điều kiện cần thiết để các nhà đầu tư sớm xem xét, triển khai các hoạt động đầu tư tại Hà Nội.

Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quỹ đất, cơ chế đầu tư và các điều kiện cần thiết khác phục vụ thu hút đầu tư các dự án nghiên cứu, sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn…

Hiện TP Hà Nội có: 11 khu công nghiệp (2.930ha) đã xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy là 60%; 1 khu công nghiệp (368ha) đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật (Khu công nghiệp Nam Hà Nội, giai đoạn II);

3 khu công nghiệp (663,4ha) đang triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư (khu công nghiệp cao sinh học, khu công nghiệp Quang Minh II, khu công nghiệp sạch Sóc Sơn);

3 khu công nghiệp (586,8ha) đã có quy hoạch, đang triển khai một phần công tác chuẩn bị đầu tư (khu công nghiệp Đông Anh, khu công nghiệp Bắc Thường Tín, khu công nghiệp Phụng Hiệp).

Các lĩnh vực nhận được dòng vốn đầu tư nước ngoài chính là: xây dựng, bất động sản, chiếm 31%; công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 30%; thương mại, dịch vụ, chiếm 22%; các lĩnh vực khác là 17%.

Hà Nội: Tạo điều kiện tối đa để ngành công nghiệp bán dẫn phát triển
Bộ trưởng Bộ TT&TT: Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.