Thông tư 02/2023/TT-NHNN: Cần xem xét gia hạn thêm

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đạt 13,71% tính đến cuối năm 2023, tuy nhiên, đến cuối tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với đầu năm 2023. Trong đó, mức giảm ở 5/9 nhóm tổ chức tín dụng.
Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 được tổ chức ngày 20/2. 	Ảnh: NHNN
Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 được tổ chức ngày 20/2. Ảnh: NHNN

ích cực hỗ trợ người dân

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 được tổ chức vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ. Năm 2024, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5% và lạm phát khoảng 4-4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng. Vì vậy, với tâm thế chủ động ứng phó trong mọi tình huống, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, toàn hệ thống ngân hàng phải nêu cao trách nhiệm trong hoạt động để hỗ trợ người dân, DN.

Tại hội nghị, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% so với đầu năm 2023. Tăng trưởng tín dụng giảm ở 5 trong số 9 nhóm tổ chức tín dụng, gồm: nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 0,88%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%; nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.

Nói về nguyên nhân tăng trưởng tín dụng sụt giảm so với tháng đầu năm trước, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc (GĐ) Vietcombank cho biết, tín dụng giảm là do xu hướng giảm ngân tiêu dùng bất động sản giảm, kinh tế khó khăn, sản xuất khó khăn... Ngoài ra, tín dụng bán buôn chiếm 70% dự nợ tín dụng của Vietcombank cũng đang gặp khó bởi vấn đề pháp lý. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng GĐ Agribank cũng cho biết, tăng trưởng tín dụng vẫn suy giảm do khó khăn từ khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn.

Đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 12 tháng

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, vừa qua các tổ chức tín dụng tiếp tục có ý kiến về việc kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Bên cạnh đó là câu chuyện lãi suất đã giảm khoảng 2% trong năm 2023 và hiện mặt bằng lãi suất đang rất thấp. Để hỗ trợ nền kinh tế, Chính phủ đã chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục quan tâm đến DN, nên Thống đốc cũng muốn nghe các tổ chức tín dụng có ý kiến về nội dung này.

Ông Trần Long, Phó Tổng GĐ BIDV cho rằng, việc Thông tư 02 hết hạn vào 30/6/2024 sẽ tạo áp lực rất lớn về trả nợ cho các DN trong khi đó, việc xử lý nợ xấu các DN của các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư tới hết năm 2024. Đồng quan điểm, Tổng GĐ MB và Tổng GĐ VPBank đề xuất gia hạn Thông tư 02 thêm 12 tháng (tức đến tháng 6/2025), cộng thêm các điều kiện là hợp lý để ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ DN.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nêu ý kiến, trước bối cảnh nợ xấu có xu hướng gia tăng hiện nay đòi hỏi ngân hàng tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng. Hiện đối với tín dụng tiêu dùng xuất hiện các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội gia tăng, nhưng không có cơ quan quản lý nào xử lý, người vay chây ì trả nợ... Vì vậy, các Cty tài chính không dám mạnh tay cho vay. Do khả năng trả nợ của khách hàng giảm. Do vậy, ông Hùng cũng đưa ra kiến nghị NHNN gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, song cũng cần có biện pháp để xử lý các hội nhóm "bùng nợ" công khai hiện nay.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh thêm, đối với tín dụng tiêu dùng, mặc dù còn khó khăn nhưng các ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay đối với lĩnh vực này. Bởi chỉ có đẩy mạnh cho vay tiêu dùng thì mới có thể kích cầu được sức mua từ đó đẩy mạnh được tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, thông qua việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng chính thống từ ngân hàng và Cty tài chính sẽ đẩy lùi được “tín dụng đen" đang hoành hành hiện nay. Tuy nhiên, cũng cần kiểm soát được rủi ro nợ xấu, nhất là trước bối cảnh thị trường còn khó khăn nhất định hiện nay.

Đối với các kiến nghị của tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho rằng cần thiết để xem xét gia hạn thêm Thông tư 02 nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. Ông Tú cũng đề nghị Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cùng Cơ quan thanh tra giám sát, Vụ pháp chế, chính sách của NHNN đề xuất và cơ chế này phải được ban hành ngay trong quý I/2024.
Tìm giải pháp đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái?
Tình hình kinh tế có nhiều khởi sắc trở lại từ đầu quý III

Nguyễn Đăng

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.