Vì sao nhiều trường bỏ phương thức xét tuyển học bạ?

Xét tuyển học bạ là một trong những hình thức tuyển sinh của các trường ĐH để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượng sinh viên. Tuy nhiên, gần đây nhiều trường đã dần bỏ phương thức tuyển sinh này. Vậy năm 2024 còn xét tuyển học bạ nữa không?
Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2024, một số trường ĐH top đầu đã không tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển học bạ.             Ảnh minh họa: Ngọc Tú
Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2024, một số trường ĐH top đầu đã không tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển học bạ. Ảnh minh họa: Ngọc Tú

Theo quy định, xét tuyển học bạ là phương thức tuyển sinh ĐH dựa trên tiêu chí kết quả học tập 3 năm ở cấp THPT của các thí sinh hoặc điểm trung bình ở lớp 12 theo tổ hợp môn để xét tuyển. Việc xét tuyển này giúp các thí sinh sẽ giảm bớt áp lực cho các nguyện vọng khó và là cứu cánh cho các thí sinh không đạt điểm cao tại kỳ thi THPT quốc gia.

Bên cạnh xét tuyển học bạ, một hình thức xét tuyển luôn luôn có là xét tuyển ĐH bằng điểm thi THPT quốc gia qua các tổ hợp môn. Hiện nay, nhiều trường còn xét tuyển kết hợp giữa điểm thi THPT và điểm đánh giá năng lực hay bài thi năng lực của nhà trường đề ra.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, xét tuyển học bạ trong tuyển sinh ĐH đã dẫn đến nhiều vấn đề tiêu cực trong chấm điểm, thậm chí có cả tình trạng “mua điểm” ở bậc THPT. Có trường, sau năm đầu những sinh viên trúng tuyển bằng học bạ lại có điểm trung bình học tập khá thấp. Những sinh viên trúng tuyển bằng các phương thức khác có kết quả học khá tốt, mức độ chênh lệnh giữa điểm thi ĐH và năng lực học không quá lớn.

Có nhiều vấn đề khiến nhiều trường ĐH dừng tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển học bạ hoặc điều chỉnh phương thức này hoặc chuyển sang hình thức khác.

Ví dụ như: kết quả học tập tại ĐH không đồng đều với thực lực trên học bạ ở cấp THPT là yếu tố khiến nhiều trường đã bỏ hẳn phương thức này. Thực trạng sinh viên được tuyển dựa trên học bạ không có kết quả học tập tương đồng so với thực tế. Được cho là nhiều trường cấp ba đã đã chấm điểm khá dễ dàng hoặc có sự “không trung thực” trong học tập giúp học sinh đạt điểm xét tuyển học bạ, điều này dần khiến các trường ĐH lựa chọn xét tuyển những sinh viên không đúng năng lực học tập.

Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2024, các trường như Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã không tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển học bạ. Theo Đề án tuyển sinh ĐH năm 2024 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, những thay đổi, điểm mới chủ yếu nằm trong phương thức xét tuyển kết hợp, chiếm tới 80% chỉ tiêu. Hai phương thức còn lại, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng giữ nguyên. Cụ thể, những năm trước, phương thức này có 5 đối tượng, năm nay tích hợp lại thành 2 nhóm. Nhóm 1 không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển sớm và nhóm 2 sử dụng kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Còn đối với trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh năm 2022 họ đã bỏ phương thức xét tuyển học bạ thay thế bằng kỳ thi đánh giá năng lực của trường, đến năm 2023 thì áp dụng lại nhưng chỉ 15% đối với trường chuyên, năng khiếu. Đặc biệt các trường ĐH Sài Gòn hay các trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh hay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch từ lâu chỉ tuyển sinh dựa trên kết quả điểm thi THPT quốc gia.

Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh đại học sẽ do các trường ĐH tự quyết định và công bố cụ thể quy chế, điều kiện. Do đó, có trường sẽ áp dụng dựa theo tình hình thực tế hoặc quyết định không áp dụng.

Bộ GD&ĐT không có quy định cấm xét tuyển bằng học bạ đối với học sinh mà sẽ do các trường ĐH tự quy định hình thức xét tuyển. Do đó, nếu trường thiếu hụt chỉ tiêu hoặc vẫn dành một suất tuyển sinh cho các đối tượng bằng học bạ thì vẫn sẽ được áp dụng trong năm 2024. Các thí sinh khi quan tâm đến ngành học, nguyện vọng mà mình đăng ký thì cần theo dõi sát các thông báo của trường ĐH đó.

TS Lê Viết Khuyến nhận định, hiện chất lượng các cơ sở giáo dục chưa đồng đều, nên việc cho điểm kiểm tra, đánh giá ở mỗi cơ sở khác nhau. Nên nếu dựa vào việc xét học bạ để xét tuyển ĐH sẽ không công bằng với học sinh. Vì thế, điểm học bạ chỉ nên là một tiêu chí phụ, bổ trợ cho các phương thức xét tuyển khác. Mùa tuyển sinh năm 2023, số trường sử dụng phương thức xét học bạ rất lớn. Mặt bằng điểm trúng tuyển bằng học bạ của các trường đều cao ngất ngưởng và có sự chênh lệch đáng kể so với điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Bộ GD&ĐT phản hồi về kiến nghị bỏ phương thức xét tuyển ĐH bằng học bạ
Từ 2025, Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc
Phát triển Thủ đô Hà Nội thành trung tâm tri thức và công nghệ hàng đầu, có vị trí trong khu vực

Thái Phương

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.