Hà Nội đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa

Thời điểm cuối năm thường nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao. Kích cầu tiêu dùng nội địa được TP Hà Nội xác định là một trong những trụ đỡ để nâng tổng cầu nền kinh tế, góp phần vào việc phục hồi và tăng trưởng, kinh tế trong giai đoạn suy thoái toàn cầu hiện nay. Ngoài ra, việc kích thích tiêu dùng nội địa cũng sẽ là chất xúc tác cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Kích thích tiêu dùng nội địa cũng sẽ là chất xúc tác cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (Ảnh chụp tại Siêu thị Vinmart).	Ảnh: Nguyễn Vũ
Kích thích tiêu dùng nội địa cũng sẽ là chất xúc tác cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN (Ảnh chụp tại Siêu thị Vinmart). Ảnh: Nguyễn Vũ

Công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội, tính đến tháng 12/2023, Thủ đô thu hút 2,85 tỷ USD vốn FDI (tăng 61% so với cùng kỳ), trong đó có 378 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 371,4 triệu USD; 168 dự án tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 293,7 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,4%. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5%.

Các mặt hàng "chiếm sóng" dịp cuối năm sẽ là thực phẩm (bánh kẹo, đồ khô) hay đồ uống đều thuộc những mặt hàng thiết yếu trong dịp lễ, tết. Bên cạnh đó, các sản phẩm ăn uống hữu cơ, chất lượng cao cũng được người dân quan tâm tìm kiếm, chiếm tới 62,3% lựa chọn.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: trên địa bàn Hà Nội có 453 chợ, trong đó có 2 chợ đầu mối và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối, lượng nông sản thực phẩm tại chợ cung ứng khoảng 70% nhu cầu tiêu thụ của Nhân dân Thủ đô. Nguồn hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho các chợ trên địa bàn TP rất đa dạng. Sở cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối cung-cầu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc rõ ràng của Hà Nội và các tỉnh, TP đưa vào hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân Thủ đô, đặc biệt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Điều này không chỉ kết nối các địa phương mà còn đẩy mạnh hỗ trợ DN Thủ đô và DN các tỉnh, TP trong cả nước ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, năm 2023, Thủ đô Hà Nội đã chứng kiến một bước nhảy vọt đáng kể trong lĩnh vực du lịch, với việc đón nhận 24 triệu du khách. Sự tăng trưởng này không chỉ là động lực mới cho nền kinh tế địa phương mà còn là biểu hiện rõ nét về sức hấp dẫn lâu dài của Hà Nội như một điểm đến du lịch tiềm năng.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết: năm 2024, TP đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với ước năm 2023. Để đạt mục tiêu đề ra, Hà Nội đang quyết liệt xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch trải nghiệm mới gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến: Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức, tuyến Trung tâm Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì. Ngoài ra, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh như: du lịch ẩm thực, du lịch MICE, du lịch chăm sóc sức khỏe…

4 yếu tố tổng cầu trong chính sách kích cầu cơ bản

Trong bối cảnh thị trường như hiện nay thì kích cầu tiêu dùng nội địa và khai thác hiệu quả thị trường nội địa là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu, cũng như củng cố nội lực của nền kinh tế.

Để kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là một trong những công cụ quan trọng. Tuy nhiên, giảm thuế VAT có thể tăng suất mua thị trường nội địa nhưng sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước nên cũng cần tính toán thận trọng.

Thời gian qua, có một số ngành nghề, lĩnh vực như du lịch, thương mại... đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa với đa dạng chương trình nhưng kích cầu tiêu dùng nội địa cần nhiều hơn các chương trình quốc gia, hướng đến mọi tầng lớp tiêu dùng có điều kiện mua sắm.

Bên cạnh đó, mạng lưới phân phối, bán lẻ cần nhiều doanh nhân Việt đồng hành trong phát triển thị trường nội địa, đó là tín hiệu tốt cho phát triển kinh tế đất nước.

Tiến sỹ Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, chính sách kích cầu cần đảm bảo mạnh mẽ, dứt khoát và đồng bộ. Cụ thể, có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm: tiêu dùng của các hộ gia đình; đầu tư của DN; chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu ròng.

Môi trường đầu tư bất động sản tích cực hơn trong năm 2024?
Vàng có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh khi bitcoin ETF được phê duyệt
Chờ đợi phê duyệt các khung pháp lý quan trọng cho thị trường bất động sản

Nguyễn Vũ - Hải Anh

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.