Hà Nội phát triển các cụm công nghiệp "xanh" để thu hút đầu tư nước ngoài

Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hướng xanh, tập trung những ngành nghề tạo giá trị gia tăng cao đang là hướng đi của TP Hà Nội.
Cổng vào Cụm công nghiệp Phương Trung
Cổng vào Cụm công nghiệp Phương Trung. Ảnh: H.N

Hình thành các cụm công nghiệp, khu công nghiệp "xanh"

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, hiện trên địa bàn Thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là trên 1.680ha, thu hút được khoảng trên 3.860 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Nằm trên địa bàn xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Cụm công nghiệp Phương Trung có quy mô 9,55ha. Với vị trí thuận lợi, tiếp giáp với quốc lộ 21B, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía Nam; cách sân bay Nội Bài 50km; cách cảng Hải Phòng 150km; cách đường trục kinh tế phía Nam khoảng 10km về phía Đông (tương lai gần, đường Phạm Hùng kéo dài qua Dự án đã phê duyệt quy hoạch được thi công sẽ rút ngắn khoảng cách từ dự án đến trục kinh tế phía Nam còn 3,5km giúp kết nối giao thông đi lại vô cùng thuận lợi).

Có thể thấy, cụm công nghiệp Phương Trung đang có lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng đồng bộ, có sự liên kết giao thông thuận lợi với đường vành đai 4 kết nối các tỉnh phía Bắc (Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Phòng), đường trục kinh tế phía Nam thành phố kết nối các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình... trở vào phía trong.

Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm Thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế đảm bảo cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện như cụm công nghiệp Phương Trung.

"Để hướng tới kinh tế xanh, phát triển bền vững, thời gian qua UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương nhằm đẩy mạnh phát triển xanh, sản xuất sạch trong đó, hình thành các cụm công nghiệp, khu công nghiệp xanh là một trong những giải pháp quan trọng của Hà Nội" - bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Hà Nội được biết đến là trung tâm văn hóa chính trị xã hội của cả nước, là trung tâm giao lưu kinh tế, nơi tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế Việt Nam. Định hướng tăng trưởng xanh, công nghiệp sạch đã được Sở Công Thương triển khai trong nhiều năm qua thông qua các chương trình như: Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021 - 2030...

Ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được Thành phố xác định là khâu đột phá, trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 đạt từ 8,5 - 9,0% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra, cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh.

"Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp phục vụ di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, khu dân cư hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất tập trung, xanh, sạch với môi trường.

Cùng đó, vào ngày 28/05/2022 Chính phủ cũng ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP “Quy định về Quản lý khu Kinh tế, khu Công nghiệp”, đề ra “phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”.

Nghị định đã định hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay.

Khu công nghiệp xanh Việt Phát đã sẵn sàng các điều kiện để đón nhà đầu tư
Đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp xanh, công nghệ cao

Phú An

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.