Món quà vô giá

Tình yêu đẹp đẽ của ông bà cũng chính là món quà vô giá mà ông bà đã tặng cho con cháu. Tình yêu có kết trái hạnh phúc hay không, hành trình đó không khó nhưng cũng chẳng hề dễ dàng, chỉ cần chúng ta có sự chân thành, sẻ chia và tin tưởng với một nửa của mình.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giỗ bà nội, bố Ly đưa gia đình về quê. Vừa về đến cổng, cô bé đã nhìn thấy ông nội ngồi ở sân, lật giở từng món đồ từng gắn liền với bà nội. Nào là chiếc thúng ngày xưa bà hay gánh bánh ra chợ bán, nào là chiếc cối bà giã gạo làm bánh để trang trải cuộc sống cho gia đình, còn có cả chiếc áo len màu tím than ông tặng mà bà thích nhất và cả chiếc khăn mùi xoa bà thường lau mồ hôi mỗi khi ra đồng. Rồi ông khẽ mở một chiếc hộp sắt chứa đầy những lá thư ông bà từng gửi cho nhau hồi ông đi học, đi làm xa nhà. Nước mắt ông khẽ rơi, bao ký ức yêu thương một thời bỗng ùa về.

Ông bà nội Ly từng có mối tình đẹp khiến nhiều người ngưỡng mộ. Ông bà học chung trường từ cấp 1 lên cấp 3. Hồi đó, hai người quý mến nhau, coi nhau là những người bạn thân thiết. Sau đó, ông thi đỗ vào ngành Y. Còn bà vì thương bố mẹ vất vả, đã bỏ cơ hội học lên ĐH, ở nhà phụ giúp bố mẹ, chăm lo cho các em.

5 năm trôi qua, ông trở thành sinh viên xuất sắc và nhận được cơ hội đi du học nước ngoài. Còn bà cũng được bố mẹ mở cho một quán ăn nhỏ của riêng mình. Nấu ăn ngon, lại thân thiệt, nhiệt tình nên quán của bà ngày càng đông khách.

Dù rất thích bà nhưng ông không lỡ để bà phải chờ đợi mình ra nước ngoài học. Qua một người bạn, bà biết được trăn trở của ông. Trong một lần hai người đi chơi, bà mạnh dạn tỏ tình với ông. Và thế là họ trở thành một đôi. Trước khi ông đi, các cụ đã mang trầu cau sang nhà bà dạm ngõ, chờ ông về là tổ chức đám cưới.

Những năm tháng ông xa nhà, bà vừa làm ăn, vừa thay ông chăm sóc cho hai bên gia đình. Các cụ cũng coi bà như dâu con. Tình cảm hai nhà vì thế ngày càng gắn bó.

Yêu xa nhưng tình cảm của ông bà rất thắm thiết. Họ động viên nhau cùng cố gắng vì một tương lai tốt đẹp hơn. Những yêu thương được họ gửi vào những lá thư. Đó cũng là nguồn động lực để ông bà vượt qua tất cả khó khăn để đến bến bờ hạnh phúc.

Ngày ông trở về có lẽ là ngày vui sướng nhất của ông bà. Đám cưới của họ được tổ chức nhanh chóng trong sự chúc phúc của họ hàng, làng xóm. Vài tháng sau, ông ra Hà Nội nhận việc, còn bà vẫn ở quê. Rồi ông bà sinh được bố của Ly. Không muốn bà vất vả, ông xin chuyển công việc về quê, thu nhập có thấp hơn nhưng ông hạnh phúc vì được ở gần vợ con.

Ngày ngày ông đi làm, còn bà vẫn gắn bó với quán ăn nhỏ. Những lúc ông rảnh rỗi, lại ra quán phụ bà. Có những giai đoạn, ông phải công tác xa nhà nhiều tháng, thậm chí nhiều năm liền, bà động viên ông cứ yên tâm làm việc, còn mọi chuyện gia đình đã có bà lo. Tình yêu, sự sẻ chia của họ dành cho nhau càng giúp tổ ấm nhỏ trở nên hạnh phúc hơn.

Lớn lên trong gia đình ngập tràn yêu thương nên bố của Ly cũng học được nhiều đức tính tốt đẹp của ông bà. Sau này, bố mẹ Ly cũng chăm chút gia đình từ những điều giản dị nhất giống như ông bà ngày xưa.

Tuy bà đã ra đi nhưng những ký ức đẹp đẽ về bà vẫn sống mãi trong trái tim ông. Ông trân quý từng món đồ gắn liền với những năm tháng tảo tần của bà. Với ông, bà chính là tài sản vô giá mà số phận đã mang đến cho mình.

Tình yêu đẹp đẽ của ông bà cũng chính là món quà vô giá mà ông bà đã tặng cho con cháu. Tình yêu có kết trái hạnh phúc hay không, hành trình đó không khó nhưng cũng chẳng hề dễ dàng, chỉ cần chúng ta có sự chân thành, sẻ chia và tin tưởng với một nửa của mình.

Kỷ vật riêng vô giá của một họa sĩ
Món quà của người chồng
Món quà của cậu

An Nhiên

Bản quyền thuộc về "Pháp Luật và Xã hội - Chuyên trang của Báo Kinh tế & Đô thị", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.